Cách làm nông nghiệp của thành phố

14/03/2014 03:50

Tốc độ đô thị hoá ở TP Hải Dương diễn ra nhanh chóng đã và đang tác động nhiều chiều đến sản xuất nông nghiệp của vùng ven đô...



Cây cà chua ghép gốc cà tím ở xã Thượng Đạt cho năng suất 20-25 tấn/ha


Tốc độ đô thị hoá ở TP Hải Dương diễn ra nhanh chóng đã và đang tác động nhiều chiều đến sản xuất nông nghiệp của vùng ven đô. Do đó, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng hiệu quả sản xuất là một nhiệm vụ cấp bách.


Đất đai bị thu hẹp và phân tán

Quá trình đô thị hoá hiện nay gắn liền với việc cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, thu hẹp sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn TP Hải Dương đã hình thành những khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ, đô thị mới, khu tái định cư… đồng thời diện tích đất canh tác giảm rõ nét. Từ gần 3.000 ha canh tác (trước năm 2010), nay toàn thành phố chỉ còn khoảng 1.800 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 1.400 ha cấy lúa, khoảng 200 ha nuôi thủy sản, còn lại là chăn nuôi và trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Theo Phòng Kinh tế TP Hải Dương, trong quy hoạch, diện tích đất nông nghiệp vẫn tiếp tục giảm (chỉ còn khoảng 500 ha vào năm 2020). Nhưng phức tạp hơn là diện tích đất nông nghiệp không còn tập trung. Đây cũng là những nguyên nhân mà thành phố không thể thực hiện việc dồn đổi đất nông nghiệp thành ô thửa lớn như nhiều địa phương khác đang làm. Hầu hết các địa phương còn đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đều khó kiên cố hóa kênh mương và phát triển giao thông nội đồng.

Trên địa bàn TP Hải Dương hiện có hàng chục ha canh tác bị xé lẻ, khó canh tác và thậm chí bị bỏ hoang hóa như hơn 10 ha ở khu Đồng Pháp (phường Ái Quốc), gần 7 ha ở cạnh trạm biến áp Đồng Niên (phường Việt Hòa) do khó khăn về tưới tiêu, 90 ha ở khu Soi Nam - Bảo Tháp do dự án đô thị "treo", hàng chục ha xen kẹt, không còn đường sản xuất ở sau các doanh nghiệp ven đường 5, giữa các khu dân cư...

Những mô hình phù hợp

Phát triển nông nghiệp như thế nào để bảo đảm hiệu quả kinh tế tăng và hướng tới bền vững đã và đang là vấn đề các cấp, ngành và nhiều hộ nông dân thành phố quan tâm.

Trong những năm qua, nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả đã được không ít doanh nghiệp, hộ nông dân ở thành phố mạnh dạn đầu tư tạo vùng sản xuất, xây dựng trang trại, gia trại sản xuất đạt giá trị cao. Từ năm 1995, vay tiền ngân hàng và được người thân, bạn bè hỗ trợ vật chất, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, ông Vũ Phạm Hưng ở thôn Vũ Xá, xã Ái Quốc mạnh dạn xây dựng trang trại từ hơn 6.000 m2 ruộng trũng. Năm 1997, ông đầu tư 70 triệu đồng mua 15 con hươu giống từ Nghệ An đem về nuôi. Nhờ học hỏi kinh nghiệm nên ông có đàn hươu khoẻ mạnh. Mỗi năm ông thu trên 10kg nhung hươu. Bên cạnh việc nuôi hươu lấy nhung, ông còn cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hươu cho nhiều gia đình ở trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trang trại này cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.


Nông dân phường Hải Tân trồng rau gia vị cho thu nhập cao. Ảnh: Phùng Trọng Tuệ

Làm giàu từ trồng hoa, thả cá và nuôi lợn là mô hình làm kinh tế của ông Đàm Hải Hà ở thôn Phú Tảo, xã Thạch Khôi cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động. Ông dành gần 1/2 trong tổng diện tích gần 3 ha để  trồng hoa, khoảng 6.000 m2 đào ao thả cá và 2.000 m2 làm chuồng trại chăn nuôi. Thấy giống hồng nhung Mê Linh (Hà Nội) thích hợp với chất đất và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, ông đã trồng hàng vạn cây, tiêu thụ vào dịp lễ, Tết. Ngoài ra, ông còn trồng hoa cúc và rau gia vị, rau trái vụ. Do chủ động về con giống nên trang trại của ông Hà có thể xuất chuồng 14-15 tấn thịt lợn hơi/năm. Ao được quy hoạch chặt chẽ để làm cá giống; nuôi thâm canh cá thịt thu hoạch 3 lần/năm, thử nghiệm các giống mới.

Ông Đỗ Xuân Khi ở xã Thượng Đạt là một trong những người đi tiên phong trồng cây cà chua trái vụ, cà chua ghép gốc cà tím. Nhờ thu gom, chuyển đổi, đến nay ông Khi có 1,5 mẫu đất canh tác để gieo trồng cây giống cà chua trong nhà lưới. Ông từng vào Đà Lạt học ghép cây cà chua với gốc cây cà tím và kỹ thuật chăm bón, tạo cho cây cà chua ghép sinh trưởng tốt, quả nhiều bột, mẫu mã đẹp, chống lại được các bệnh của cà chua thường… Sau khi đã làm chủ kỹ thuật, cây cà chua ghép mà ông Khi trồng đã mang lại năng suất khoảng 20-25 tấn/ha, cao hơn cà chua thường 5 tấn/ha, giá trị sản xuất cao hơn 40-50 triệu đồng/ha. Kết hợp với trồng trọt, ông Khi  còn thu mua và phân phối cà chua ra Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên… khoảng 400-500 tấn mỗi năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Phát triển gắn với quy hoạch

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Kinh tế TP Hải Dương, để sử dụng đất canh tác tiết kiệm, hiệu quả, thành phố đang quy hoạch phát triển vùng lúa chất lượng cao ở phường Việt Hòa, các xã Tân Hưng, Nam Đồng...; vùng rau gia vị, rau trái vụ ở xã Thạch Khôi. Bên cạnh mở rộng diện tích, từ tháng 4-2014, các vùng cà chua ghép gốc cà tím ở xã Thượng Đạt và phường Ái Quốc, bí xanh ở xã An Châu sẽ áp dụng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP. Về chăn nuôi, bên cạnh trang trại gà Tám Lợi có quy mô lớn đã xuất hiện không ít mô hình mới như các gia trại cá thâm canh cao của ông Hoàng (Nam Đồng), ông Khương, ông Thuật (Ái Quốc). Hiện nay, 20 hộ chăn nuôi lợn ở Việt Hòa, An Châu và Ái Quốc áp dụng thí điểm chế phẩm làm đệm lót sinh học nền chuồng để cải thiện môi trường và giảm bệnh dịch cho vật nuôi.

TP Hải Dương đang hướng tới quy hoạch sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với nhu cầu thị trường đô thị và phù hợp với lợi thế từng địa phương, nhằm đạt các mục tiêu: nâng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm trong điều kiện hội nhập, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện.

THÀNH LONG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách làm nông nghiệp của thành phố