Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) của các dòng họ trong tỉnh có nhiều hoạt động hiệu quả.
Dòng họ Bùi Công ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) là điển hình tổ chức trao thưởng cho các học sinh có thành tích cao trong học tập (ảnh tư liệu)
Phong trào học tập trong các dòng họ đã góp phần thúc đẩy phong trào KHKT ngay từ cơ sở.
Vai trò người đứng đầu
Dòng họ Nguyễn Văn luôn đi đầu trong phong trào khuyến học ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện). Ông Nguyễn Văn Phẩm, Trưởng Ban Khuyến học của dòng họ đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Tòng Hóa gắn bó với phong trào khuyến học dòng họ từ những ngày đầu thành lập. Sau khi kiện toàn, Ban Khuyến học dòng họ xây dựng quy ước hoạt động. Quy ước nêu cụ thể, từ phát triển hội viên, xây dựng quỹ đến quy định các hình thức khen thưởng. Ban đầu, do nhận thức của các thành viên trong họ về công tác khuyến học còn hạn chế nên chưa nhiệt tình tham gia. Ông Phẩm cùng các trưởng ngành họp bàn, sau đó triển khai tới từng hộ dân. Ngoài tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm kèm cặp, định hướng để các con, các cháu học tập tiến bộ, dòng họ còn nêu gương gia đình hiếu học và gương thành đạt bằng con đường học tập. Từ chỗ trong dòng họ nhiều gia đình chưa coi trọng việc học, thì nay con em được đến trường đúng độ tuổi, không có ai bỏ học giữa chừng. Nhờ vậy, 100% số gia đình trong dòng họ đều được công nhận là gia đình học tập. Nhiều năm liền, dòng họ được công nhận là dòng họ học tập.
20 năm gắn bó với phong trào khuyến học, ông Nguyễn Trọng Khiên, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Kim Đính (Kim Thành) đã làm tốt việc vận động, tuyên truyền, đưa công tác KHKT hoạt động hiệu quả. Đây cũng là dòng họ thành lập được Ban Khuyến học sớm nhất huyện Kim Thành. Lúc mới tham gia, ông Khiên còn bỡ ngỡ, sau ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông tỉ mỉ ghi chép kết quả học tập của từng cháu để nhắc nhở, động viên kịp thời. Việc chi tiêu quỹ khuyến học hay những tấm lòng vàng ủng hộ quỹ đều được ông ghi lại cẩn thận. Vào ngày mùng 1 âm lịch hằng tháng, Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Trọng họp triển khai công việc, phổ biến các nội dung khuyến học như xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập. Phong trào "Mỗi gia đình là một hội viên khuyến học tích cực" được dòng họ triển khai. Đến nay, 95% số gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, trong đó 50% gia đình học tập xuất sắc. 5 năm gần đây, có hơn 300 lượt con em trong dòng họ được vinh danh, khen thưởng. Dòng họ đã có 5 tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cử nhân.
Nhiều hình thức xây dựng quỹ
Việc huy động nguồn quỹ được các dòng họ thực hiện bằng nhiều hình thức. Không chỉ huy động nguồn lực tại chỗ từ sự đóng góp của hội viên, không ít dòng họ còn kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê hương. Nhờ đó, nhiều năm liền, các dòng họ đều có Quỹ Khuyến học với số tiền khá lớn.
Dòng họ Phạm Đình ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) triển khai vận động quỹ trên tinh thần tự nguyện. Dòng họ trích quỹ trao thưởng cho học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi, thi đỗ đại học, cao đẳng, đỡ đầu cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Không những vậy, dòng họ còn có phần thưởng cho các học sinh có học lực trung bình để động viên các cháu năm sau học tốt hơn. Từ đó, Quỹ Khuyến học của dòng họ luôn được các thành viên tích cực hỗ trợ đóng góp dưới nhiều hình thức. Hằng năm, dòng họ tổ chức hội nghị KHKT, gửi giấy mời tới các gia đình dự lễ phát thưởng. Các thành viên trong dòng họ dù được khen thưởng hay không đều đến tham dự. Số quỹ khuyến học của dòng họ luôn duy trì từ 50-100 triệu đồng, mỗi năm trao thưởng từ 54-56 suất quà cho học sinh.
Dòng họ Hồ Văn ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) lại vận động xây dựng Quỹ Khuyến học với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Những ngày đầu thành lập, các chi trong họ cử người đi vận động trực tiếp ở từng gia đình. Ban Khuyến học gửi thư kêu gọi con em xa quê ủng hộ quỹ. Sau 1 tuần vận động, Quỹ Khuyến học của dòng họ đã đạt gần 20 triệu đồng, hiện có gần 100 triệu đồng, được gửi ngân hàng lấy lãi dùng cho việc khen thưởng.
Ông Phạm Văn Bảo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: "Thời gian qua, phong trào KHKT tại các dòng họ có chuyển biến tích cực, hoạt động sâu rộng. Dòng họ đã chủ động thực hiện mô hình khuyến học gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, mang lại hiệu quả cao, qua đó thúc đẩy phong trào khuyến học từ cơ sở".
PV
Đến tháng 7.2020, toàn tỉnh có 569.073 hội viên khuyến học, chiếm khoảng 29% số dân; 3.228 Chi hội Khuyến học và 7.311 Ban Khuyến học. Quỹ Khuyến học của tỉnh đạt hơn 123 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với năm 2019. Qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh có 48 mô hình học tập tiêu biểu; 449.357 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập (chiếm 80%), 7.674 dòng họ học tập (78%), 1.383 cộng đồng học tập (89%), 1.094 đơn vị học tập (90%), đều vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. |