Cách hóa giải "ma trận" phương án tuyển sinh đại học

16/01/2022 08:59

Có khoảng 13 phương thức tuyển sinh đại học năm 2022, nên các chuyên gia khuyên phụ huynh, học sinh lọc thông tin theo trình tự, tránh tình trạng càng đọc càng rối.

Từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét tốt nghiệp. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả này trong tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức thi hoặc xét tuyển bổ sung nhằm chọn lọc thí sinh tốt hơn.

Kết quả, hiện có khoảng 13 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong năm 2022. Các phương thức này khác nhau từ cách tổ hợp môn thi, hình thức xét tuyển, tiêu chí phụ cho đến chỉ tiêu... khiến nhiều phụ huynh cảm thấy như bị đánh đố.

Hiệu phó Đại học Giao thông vận tải - ông Nguyễn Thanh Chương - cho rằng về mặt tâm lý, phụ huynh, học sinh cần phải bình tĩnh, lạc quan trước tình trạng đa dạng phương án tuyển sinh. Bởi khía cạnh tích cực của vấn đề là, với nhiều lựa chọn, thí sinh sẽ có cơ hội tìm thấy cách thức mình có lợi thế nhất.

Ông Chương nhấn mạnh, học sinh cần xác định rõ ngành học mong muốn trước khi bắt đầu tìm kiếm thông tin. Bước đầu tiên của quá trình này là khoanh vùng các trường có ngành học theo nguyện vọng. Sau đó, dựa vào các dữ liệu năm trước, cần xếp danh sách trường theo thứ tự cao đến thấp về điểm đầu vào để dễ đối chiếu với năng lực bản thân, từ đó lọc ra một số trường phù hợp.

Sau khi thu hẹp phạm vi ngành, trường quan tâm, các em mới vào website của trường để tìm hiểu về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ... "Tất cả có trong đề án tuyển sinh mà các trường sẽ công bố vào tháng 2-3 tới. Theo quy chế, các trường đều phải công khai nên thí sinh sẽ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm", ông Chương nói.

Tới đây, thay vì đọc mọi phương án và rơi vào rối loạn, thí sinh chỉ nên quan tâm tới các cách thức xét tuyển mà mình có đủ điều kiện. Các trường thường áp dụng đồng thời 5-7 phương thức, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Những mỗi thí sinh sẽ tìm thấy 2-3 phương thức phù hợp nhất với mình. Khi đã giới hạn hẹp lại đến mức này, việc so sánh ưu thế giữa các phương thức cũng như tìm hiểu các điều kiện cụ thể sẽ dễ dàng hơn nhiều.


Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng nếu ngay lập tức bập vào đọc đề án tuyển sinh từ đầu đến cuối, chắc chắn phụ huynh và học sinh như "bị lạc trong rừng".

Theo ông Kiên, thực tế các trường đang chỉ sử dụng hai phương thức xét tuyển chính là xét bằng hồ sơ và xét theo chuẩn đánh giá nào đó như: kết quả thi tốt nghiệp THPT, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Để tránh bị rối, phụ huynh và học sinh nên đọc phương thức tuyển sinh tóm tắt trước.

"Đọc bản tóm tắt sẽ chỉ có rất ít gạch đầu dòng so với bản đầy đủ, dễ hiểu và nắm bắt hơn. Khi tìm ra được phương thức phù hợp mới cần đi vào đề án chi tiết để đọc kỹ", ông Kiên nói.

Với phương thức xét tuyển bằng điểm các kỳ thi, dù phải đợi đến lúc biết điểm mới tính được nhưng ông Kiên khuyến cáo cần lưu ý đến các tiêu chí phụ, điều kiện liên quan đến học bạ, tránh trường hợp đủ điểm trúng tuyển nhưng sau đó bị đánh trượt do quá trình hậu kiểm, trường phát hiện không đạt điều kiện học bạ chẳng hạn. Năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội có khoảng 30 thí sinh rơi vào trường hợp này.

Năm ngoái, 67 em không được công nhận trúng tuyển dù đạt mức điểm chuẩn theo ngành. Nguyên nhân là các em không đạt điểm trung bình 6 kỳ học bậc THPT của các môn trong tổ hợp xét tuyển - từ 7 trở lên - theo yêu cầu trường đã nhiều lần công bố.

Giống như ông Chương, ông Kiên nhấn mạnh phụ huynh, thí sinh cần tìm hiểu thông tin trên website chính thống của trường. Bởi báo chí hay các trang tuyển sinh chỉ có thể đưa tin giản lược, giới thiệu qua các phương thức và chỉ tiêu chứ không cụ thể chi tiết tới từng ngành, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ như trường đăng tải.

"Việc hiểu phương thức tuyển sinh không khó, quan trọng là phụ huynh, thí sinh phải bình tĩnh, tìm hiểu có chọn lọc thay vì ngồi đọc lần lượt phương thức của tất cả các trường", ông Chương nói.

Tuy nhiên, ông cũng khuyên thí sinh giai đoạn này nên tập trung vào việc học tập như định hướng từ trước, bởi dù phương thức xét tuyển nào, kiến thức và kết quả học tập THPT vẫn là nền tảng để đánh giá.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Cách hóa giải "ma trận" phương án tuyển sinh đại học