Cách chống thấm sàn nhà vệ sinh

12/06/2022 07:26

Do phải tiếp xúc với nguồn nước hàng ngày, nhà vệ sinh cần được chống thấm kỹ lưỡng để giữ cho kết cấu công trình bền lâu.


Chống thấm nhà vệ sinh là biện pháp chống thấm cần thiết khi xây dựng công trình. Ảnh minh họa: Dupro.ca

Nhà vệ sinh bị thấm, luôn trong tình trạng ẩm ướt gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, là môi trường vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người.

Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngấm trong nhà vệ sinh:

- Sàn nhà vệ sinh thường xuyên có nước, thẩm thấu qua các mạch lát nền và đọng lại dưới sàn bê tông.

- Hệ thống ống dẫn nước bị rò rỉ, bị hỏng

- Công trình nhà vệ sinh được thiết kế, xây dựng sai kỹ thuật ở khâu lắp đặt bồn cầu, thiết bị vệ sinh khiến nước xả tràn ra và thấm xuống nền nhà vệ sinh. Hoặc kết cấu bê tông bị lún, chất lượng kém, đan thép thưa không đúng tiêu chuẩn

- Các mạch gạch ở nền nhà vệ sinh bị bong, tạo kẽ hở cho nước ngấm xuống

Có 4 vị trí dễ gây thấm nhà vệ sinh:

- Hộp kỹ thuật

- Cổ ống đi xuyên sàn

- Chân tường tiếp giáp giữa tường và sàn

- Nứt sàn bê tông nhà vệ sinh.

Kiến trúc sư của R Design chỉ rõ lý do và cách xử lý khi nhà vệ sinh bị ngấm tại vị trí chân tường tiếp giáp giữa tường và sàn:

1. Nguyên nhân gây thấm

- Hai vật liệu không đồng chất (bê tông và vữa có độ co ngót khác nhau về vật liệu). Vì thế sau một thời gian xây dựng, sẽ xuất hiện hiện tượng tách khe giữa chân tường và sàn nhà.

- Đối với những công trình mới xây dựng, hệ thống kết cấu chính của ngôi nhà làm việc chưa đồng bộ, gây ra hiện tượng rạn nứt nhất định. Đây chính là nguyên nhân gây nên việc rạn nứt chân tường.

- Các hệ thống đi xuyên sàn không được thi công đúng cách. Phải dùng khoan rút lõi để thi công, tránh tuyệt đối việc dùng khoan bê tông để đục xuyên sàn, vì khi dùng khoan bê tông tại các vị trí xung quanh điểm đục xuyên sàn sẽ có hiện tượng om sàn gây rạn nứt sàn .

- Điểm đặt lỗ thoát sàn quá sát với chân tường, không bảo đảm cho việc đặt phễu thu sàn đúng quy cách.

- Các vị trí đầu chờ đường ống cấp nước ra thiết bị quá sát với tường khiến cho khi hoàn thiện thiết bị không vặn đủ hết chân ren, gây ra hiện tượng rỉ nước ngấm lên tường.

2. Biện pháp xử lý

- Dùng mác vữa cao kết hợp phụ gia chống thấm để xây những hàng gạch dưới (dùng gạch đặc và cát vàng xây trột tỷ lệ xi măng cao).

- Đối với sàn nhà vệ sinh cần phải xử lý chống thấm toàn bộ sàn bằng vật liệu chống thấm Polyurethane. Đồng thời quét cả chống thấm lên chân tường cao khoảng từ 30-50cm.

- Đặc biệt, tại các vị trí ống xuyên sàn cần phải vệ sinh thổi bụi thật sạch trước khi thi công. Dùng keo chuyên dụng không co ngót đổ bù vào những khe hở xung quanh miệng ống.

- Sau khi hoàn thành công việc chống thấm cần bảo dưỡng trong vòng 24 giờ và xả nước ngâm kiểm tra.

- Kiểm tra toàn bộ các hệ thống đầu chờ từ đường ống cấp ra thiết bị trước khi lắp thiết bị.

- Kiểm tra lại toàn bộ thiết bị vệ sinh xem bảo đảm lắp đặt đúng kỹ thuật hay chưa. Đặc biệt tại vị trí bồn cầu.

- Sàn nhà phải bảo đảm đủ độ dốc thoát nước, tránh hiện tượng bị đọng nước trên mặt sàn.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách chống thấm sàn nhà vệ sinh