Theo các nghệ nhân trồng đào Nhật Tân, một cây đào đẹp gốc phải già, xù xì và bám đất, hội đủ các tiêu chí cổ, kỳ, mỹ...
Nghệ nhân trồng đào Lê Hàm, người đã có hơn 30 năm làm nghề ở Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết các thầy phong thủy xưa thường trồng đào trước cửa nhà vào đầu năm để xua đuổi tà khí, đón may mắn. Ngày nay, người chơi đào tạo nhiều dáng, thế đào đẹp, trưng trong nhà đón Tết.
Theo ông Hàm, cây đào cần có tổng thể hài hòa: gốc, thân, cành, hoa, nụ, quả, lộc đầy đủ, cân đối: "Các cụ hay nói 'gốc bồ, ngọn chỉ'. Một cây đào đẹp, gốc phải già, thể hiện ở sự bề thế, xù xì và bám đất. Cành dưới phải to hơn cành trên. Thân, cành, cành dăm phải nhỏ dần. Cây càng nhiều cành dăm càng lắm nụ, nhiều hoa. Hoa đào phải tươi, nụ thắm", ông nói.
Ông Lê Văn Nam, 49 tuổi, chủ vườn đào 1.000 gốc ở Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội cho biết đào nằm trong mục sinh vật cảnh nên cũng cần đạt đủ các tiêu chí cổ, kỳ, mỹ. Cổ là già nua. Kỳ là kỳ lạ, kỳ công và kỳ thú - có nghĩa cây được đầu tư tâm sức nhiều, có dáng, thế độc, lạ, khiến người chơi thích thú. Mỹ đơn giản là cái đẹp", ông chủ vườn đào nói.
Ông Nam cho biết những cây đào nhiều cành dăm, nhiều nụ trắng sẽ bung nở đẹp vào dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: Phạm Nga |
Tùy vào sở thích của người chơi để chọn dáng đào. Hai dáng cây cơ bản, dễ nhận biết là dáng trực và dáng huyền. Dáng trực - cây vươn thẳng, thể hiện bản tính cương trực, mạnh mẽ. Dáng huyền - cây vươn ra ngoài chậu và chúi hẳn xuống dưới, thể hiện tính cách nhẹ nhàng, mềm mại, song tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt.
Để hoa nở đúng độ, theo những người trồng đào lâu năm, nên chọn cây có nhiều cành dăm, nụ hạt đỗ hoặc nụ có đầu hơi trắng. Trên cây chỉ điểm một vài quả.
Khi chọn cành đào, để giữ cành tươi, nên cắt vát dưới gốc để diện tích tiếp xúc với nước nhiều hơn. "Cho một vài giọt nước rửa bát vào bình sẽ làm tăng khả năng lưu dẫn nước lên cây, giúp cây tươi lâu hơn. Nếu thời tiết lạnh, nên đặt cành đào trong bình nước ấm để hoa nở sớm. Muốn hãm cây ra hoa nhiều khi thời tiết nóng nên dùng nước lạnh", ông Hàm tư vấn.
Tương tự như đào, quất cũng là một trong những cây cảnh được nhiều người chọn trưng Tết. "Quất có luồng sinh khí tốt, là biểu hiện của sự quây quần, no ấm. Thế nên, với quất, nên chọn cây có đủ quả chín, quả ương, quả xanh, hoa - với ý nghĩa 'tứ đại đồng đường', sung túc, vui vầy", nghệ nhân trồng quất Thế Mạnh ở phường Tứ Liên nói.
Cây quất dáng Kim Long Sà có cành chạm gần đáy bình được trồng kèm cây ngô đồng - "ngô đồng trồng cửa quan" với ý nghĩa cầu mong sự thăng tiến trong sự nghiệp cho gia chủ. Ảnh: Phạm Nga |
Theo ông Mạnh, trước đây, quất chỉ trồng dưới đất, ở ngoài sân, sảnh, nhưng hơn chục năm nay, dân sành quất đưa các dáng quất bonsai vào nhà. Một số thế quất có ý nghĩa như long phượng, mẫu tử, phu phụ tử, phúc lộc thọ - tam đa, ngũ phúc - năm tán. Tùy vào sở thích, không gian bài trí rộng hay hẹp và vị trí đặt cây quất mới có thể tư vấn cách chọn cụ thể.
Nghệ nhân Thế Mạnh cho hay một cây quất bonsai tuổi đời càng cao, càng đẹp. Gốc, thân rêu phong, xù xì. Tán cây phải chạm đáy bình, hoặc chạm cuối thân bình. Cây càng nhiều quả, càng thể hiện sự sum vầy, no đủ. Lộc, lá vươn lên, biểu thị sự thăng tiến.
Để tránh tình trạng mua phải cây bị gắn quả, cành hoa, nghệ nhân Thế Mạnh khuyên người mua nên đến các nhà vườn để chất lượng bảo đảm và được tư vấn cách chăm sóc. "Nhiều người buôn chỉ mua đi, bán lại, không hiểu đặc điểm của cây để tư vấn cho khách. Chưa kể tình trạng gắn quả, gắn hoa để bán khiến người mua mất tiền oan", ông Mạnh nói.
Theo VnExpress