Phụ huynh nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ trong 3 ngày đầu, theo dõi phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19, không trì hoãn tiêm các vaccine khác khi đến lịch.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, sau tiêm vaccine Covid-19, trẻ có thể gặp các phản ứng như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm. Đây đều là những phản ứng bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng, không bôi, chườm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
"Phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng khi theo dõi bé tại nhà sau tiêm. Trẻ trong độ tuổi này thường hiếu động, chưa biết bày tỏ các bất thường của cơ thể. Trong khi đó, phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể vào ban đêm khi gia đình đã đi ngủ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, luôn bên cạnh con 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng", bác sĩ Chính giải thích.
Cụ thể, theo chuyên gia, phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ sau mỗi 30 phút. Nếu bé sốt dưới 38,5 độ C, cần cởi bớt hoặc nới lỏng quần áo, chườm hoặc lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, cho trẻ uống đủ nước. Bé cần được giữ ấm, không để nhiễm lạnh. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, phụ huynh sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc trẻ sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Đối với những trẻ nhỏ đang đi nhà trẻ, sau tiêm vaccine Covid-19, phụ huynh hạn chế gửi nhà trẻ. Trong trường hợp cần phải gửi nhà trẻ, cha mẹ phải dặn dò kỹ bảo mẫu lưu ý những triệu chứng nguy hiểm cần báo với gia đình hoặc đưa bé đi bệnh viện càng sớm càng tốt.
Các phản ứng ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện sớm gồm: sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt; bé cảm thấy tê quanh môi hoặc lưỡi; da bé có phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; bé có cảm giác ngứa họng, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng về tim mạch như đau tức ngực, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất. Bên cạnh đó, trẻ có thể nôn ói, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; chóng mặt, choáng, xây xẩm, mệt bất thường, đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
Sau khi tiêm vaccine, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu, hạn chế vận động chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu. Bác sĩ Chính lưu ý, trẻ hoàn toàn có thể tiêm vaccine Covid-19 chung với các vaccine khác mà không cần chờ khoảng cách thời gian. Việc kết hợp tiêm đồng thời vaccine Covid-19 với các vaccine bất hoạt khác giúp trẻ phòng bệnh sớm, kịp thời, hạn chế các gián đoạn học tập.
Nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (MIS-C, thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ...) thì nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh. Nếu bé có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, có hội chứng tăng động, giảm chú ý cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường nên được đưa đến tiêm chủng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.
Hiện nay, các tỉnh thành đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Loại vaccine sử dụng cho trẻ từ 5-11 tuổi là Pfizer và Moderna, tiêm các liều cơ bản cùng loại vaccine. Đối với mũi 2 dự kiến tiêm cho trẻ trong vòng 14 ngày, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Theo quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế, các địa phương phải đảm bảo thực hiện tiêm chủng an toàn tại điểm tiêm. Việc tiêm chủng được thực hiện tại trường học, các cơ sở tiêm cố định và lưu động. Các địa phương sẽ triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch, số lượng vaccine được cung ứng.
Theo VnExpress