Y tế - Sức khỏe

Cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Theo Sức khỏe & đời sống 26/09/2023 11:34

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 1/8-20/9, Hải Dương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến với 239 trường hợp, chiếm 80,3% tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay.

cham-soc-nguoi-benh-sot-xuat-huyet-1695285579994715704342.jpg
Năm nay số lượng và tần suất ca mắc sốt xuất huyết nhiều hơn

Hiện nay, sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị thường từ 7 - 10 ngày kể từ ngày đầu tiên có sốt. Đa số người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi đã được bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ về kế hoạch điều trị.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh sốt xuất huyết khiến bệnh nhân rất mệt, nhất là khi sốt cao kéo dài. Với trẻ em cần lưu ý bù đủ nước và dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C. Đồng thời bổ sung đủ các dung dịch làm mát, hạ nhiệt như nước canh, nước dừa, nước cam, nước chanh, dung dịch oresol.

Vì bệnh nhân mệt, men gan tăng có thể dẫn tới chán ăn, do đó nên lựa chọn đồ ăn lỏng, khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Nên ăn một lượng nhỏ và nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn lỏng cung cấp nhiều nước giúp bù lại lượng nước mất đi khi sốt cao và hạ nhiệt độ cơ thể. Nên tránh thức ăn rắn cho đến khi hết sốt. Uống nhiều nước là điều cần thiết để thay thế lượng nước mất đi khi sốt cao.

Sau khi bệnh hồi phục vẫn cần ăn uống đầy đủ bù lại dinh dưỡng.

Lưu ý những dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng để xử trí kịp thời

Đối với người bệnh sau khi chẩn đoán sốt xuất huyết và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng (thường từ ngày thứ 3-5 của bệnh):

- Lừ đừ, bồn chồn, vật vã, li bì.

- Lạnh tay chân, thường là vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, nhất là khi vừa hết sốt.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng liên tục.

- Chảy máu bất thường: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, rong kinh rong huyết, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Khi gặp những dấu hiệu trên, nhất là trẻ em, phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

Một số trường hợp cảnh báo trên những người mắc các bệnh nền như các bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh lý suy giảm miễn dịch, khối u... việc điều trị sốt xuất huyết sẽ khó khăn hơn. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh, nhất là trong bối cảnh sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý khác như Covid-19, sốt do viêm phế quản, cúm...

Theo Sức khỏe & đời sống
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết