Cách chăm sóc lúa bị ảnh hưởng của rét

14/03/2014 13:09

Đầu vụ xuân năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều đợt rét đậm, rét hại liên tiếp xảy ra đã khiến việc thâm canh lúa xuân của nông dân gặp khó khăn.


Nhiều diện tích lúa sau gieo cấy ít gặp rét đã chết, phải gieo cấy lại. Trước tình hình trên xin khuyến cáo bà con một số biện pháp giúp cây lúa ra lá, đẻ nhánh nhanh hơn:

Với những ruộng lúa giống mới chịu rét kém bị vàng lá, nghẹt rễ (nhổ cây lên thấy rễ thâm đen, lá vàng đến đỏ rực, ngừng sinh trưởng và không đẻ nhánh) cần khắc phục bằng cách rắc su-pe lân từ 4 - 5kg/sào để kích thích rễ mới phát triển. Kết hợp phun các chế phẩm phân bón lá có tác dụng đâm chồi ra lá, siêu ra rễ như phân bón lá KH, Vip- AK, Thiên nông, Komic… Sau đó sục bùn để đất không chai cứng, ô-xy lưu thông. Cần phun phân bón lá từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 3 - 5 ngày mới phát huy tác dụng. Những diện tích đất chua cần bón thêm 8 - 10 kg vôi tả. Khi lúa đã đâm rễ trắng mới sử dụng u-rê phối trộn với ka-li đỏ để lúa đẻ nhánh. Không nên rắc u-rê khi lúa vẫn còn đang bị nghẹt rễ.

Khi lúa đang bị nghẹt rễ không nên phun thuốc trừ cỏ vì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, thậm chí lúa bị chết. Phân bón thúc đẻ nhánh cần bón tập trung ngay giai đoạn đầu, không nên bón lai rai. Không nên sử dụng phân NPK để thúc cho lúa lúc này vì phân tổng hợp khó hòa tan và chậm phân giải hơn trong khi cây lúa đang cần ngay dinh dưỡng để đẻ nhánh...

Với những giống/ruộng lúa ít bị ảnh hưởng do rét thì khẩn trương phối trộn u-rê và ka-li theo tỷ lệ thích hợp với từng chân ruộng, giống lúa… để bón thúc cho lúa đẻ nhánh thuận lợi. Đồng thời phun phân qua lá (2 - 3 lần) để kích thích cây phát triển nhanh hơn.

Với những ruộng lúa gieo thẳng, tiến hành tỉa dặm trước khi cây có 4 lá thật để tránh làm chột cây. Lượng phân bón thúc cho lúa đẻ nhánh nên chia làm 2 lần cách nhau 4 - 5 ngày để bón tránh làm ngộ độc cho cây vì cây còn non yếu.

Trong giai đoạn này cần giữ nước thường xuyên ở mức 2 - 3 cm để giúp phân bón dễ hòa tan, thẩm thấu, rễ lúa phát triển và hút dinh dưỡng được tốt hơn. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, bộ rễ, lá phát triển tương đối thì nên rút nước ở những chân ruộng có giun sinh sống (đất giàu mùn, đất thịt nhẹ) từ 3 - 4 ngày, khi thấy mùn giun đùn lên thì lại cấp nước trở lại cho lúa. Việc làm này sẽ giúp lúa ra thêm đợt rễ mới nhanh hơn, đẻ nhánh tập trung hơn. 

Do rét đậm kéo dài nên hầu hết các loài sâu bệnh hại rất khó phát sinh và gây hại lúa ở thời điểm này. Vì vậy, nông dân không nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh lúc này để không gây ngộ độc cho cây, đồng thời, duy trì được nguồn thiên địch.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách chăm sóc lúa bị ảnh hưởng của rét