Khó khăn lớn nhất là do kinh tế các xã này kém phát triển nên nguồn lực của xã rất hạn chế, mức hỗ trợ 20% của nhà nước là quá thấp...
Dân thôn Chín Hạ, xã Bắc An luôn khổ vì đường xấu
Đường xấuTừ phường Bến Tắm (Chí Linh) về thôn Chín Hạ (xã Bắc An) là con đường đất khá dốc, thỉnh thoảng lại có “con trạch” vắt qua hoặc những "ổ trâu", "ổ voi" to đùng choán gần hết mặt đường. Chị Nguyễn Thị Phố ở thôn Chín Hạ cho biết: “Vào mùa này đường khô ráo chỉ phải tránh các ổ trâu, ổ voi thôi, chứ mùa mưa đường nhão nhoét, lầy lội, ngập nước và bùn, học sinh đi học, người dân đi trên đường ngã xoành xoạch. Vì đường gần ruộng nên đến vụ thu hoạch chúng tôi cũng rất khổ. Đường đến thôn Tân Trường (xã Lê Lợi) cũng là đường đất chỉ dài khoảng hơn 200 mét mà cũng có hàng trăm "ổ trâu", "ổ voi". Ông Đoàn Mạnh Phúc, Bí thư Chi bộ thôn Tân Trường cho biết: “Mỗi khi qua mùa mưa, mặt đường hình thành những hố trũng rất khó đi và năm nào thôn cũng phải bỏ tiền mua đất về lấp để bà con đi lại đỡ khổ. Nhưng vì là đất mượn, nền đường không chắc nên mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi, rất khổ!”. Những ngôi nhà dân ở cạnh những con đường đất này đều nhuốm một màu đỏ quạch do bụi đường bám từ năm này qua năm khác. Ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Lê Lợi đều có những con đường như thế.
Khó làm Các xã miền núi này đều có diện tích rộng, dân thưa, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) khá nhiều và dài. Xã Lê Lợi, rộng 2.670 ha, có 9.500 nhân khẩu, sinh sống tại 10 thôn, khu dân cư. Xã có 70 km đường thôn, liên thôn, đường xóm, đường nội đồng nhưng đến nay mới chỉ có 6 km đường xã, liên xã được trải nhựa. Đường thôn xóm mới chỉ có thôn Thanh Tân làm được khoảng 2 km đường bê-tông, còn lại đều là đường đất cấp phối. Xã Bắc An có gần 20 km đường liên xã, 5,3 km đường xã, 40 km đường thôn, 11 km đường xóm và 41 km đường ra đồng. Trong đó mới chỉ có 10,22 km đường nhựa (phục vụ mục đích quốc phòng), còn lại đều là đường đất cấp phối...
Được biết khó khăn lớn nhất của các xã này trong việc làm đường GTNT là kinh tế kém phát triển nên nguồn lực của xã rất hạn chế. Diện tích các xã đều rộng, dân ở thưa, rải rác và nghèo, trong khi đó hệ thống đường lại nhiều và dài. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của tỉnh về làm đường GTNT hiện nay là 20% áp dụng đối với các xã miền núi là quá thấp. Đồng chí Lương Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết: “Dân ở rải rác và cách xa nhau là điều khó khăn nhất trong việc vận động đóng góp làm đường. Đề nghị tỉnh xem xét tăng mức hỗ trợ làm đường GTNT cho các địa phương miền núi”. Đồng chí Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết thêm: “Nếu tỉnh có tăng mức hỗ trợ lên 40% - 50% cũng rất khó thực hiện. Hằng năm, những đoạn đường nào xuống cấp, thùng, vũng nhiều, chúng tôi chỉ đổ đất san bằng để bà con đi lại đỡ vất vả thôi”. Ông Đoàn Mạnh Phúc ở thôn Tân Trường (xã Lê Lợi) cũng bày tỏ: “Để làm được 1 km đường bê-tông thôn cũng phải chi phí khoảng từ 500 - 700 triệu đồng, trong khi đó dân thưa, đường dài, đóng góp quá lớn, nhân dân chúng tôi không thể góp nổi”.
Khó khăn trong làm đường GTNT ở các xã miền núi Chí Linh cũng là khó khăn lớn nhất và khó thực hiện nhất trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
VIỆT CƯỜNG