Những năm gần đây, các vùng nuôi thủy sản tập trung của huyện Tứ Kỳ gặp nhiều khó khăn.
Đường vào khu nuôi thủy sản của xã Văn Tố không bảo đảm yêu cầu
Nguồn nước ô nhiễmChúng tôi về xã Tiên Động vào dịp đầu xuân, khi hầu hết các ao hồ đang được làm vệ sinh, chuẩn bị thả lứa cá mới. Tuy nhiên, người dân không còn hào hứng với việc nuôi cá như những năm trước. Lý giải về điều này, anh Bùi Phú Lâm, chủ một hộ nuôi thủy sản ở đây cho biết: "Hai năm nay, người dân ít nâng cấp, mở rộng sản xuất vì hiệu quả thấp. Do điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt khiến cá bị chết nhiều. Qua một đợt nắng nóng hay mưa rét kéo dài, nhiều hộ đã mất trắng. Điều người dân lo lắng nhất là nguồn nước cung cấp cho vùng nuôi thủy sản bị ô nhiễm nặng. Hơn 1 năm nay, cá nhà tôi liên tục bị chết, có đợt chết hơn 1 tấn do lấy phải nguồn nước ô nhiễm vào ao".
Theo chị Bùi Thị Hợi, kế toán của HTX Chăn nuôi thủy sản xã Tiên Động, 2 năm qua, có 10 hộ trong vùng nuôi thủy sản tập trung (NTSTT) ở đây bị chết cá khi bơm nước vào ao, có nhà chết khoảng 2,5 tấn. Do người dân chủ yếu lấy nước vào buổi tối nên khó phát hiện được nguồn nước bị ô nhiễm. Cá chết không chỉ khiến người dân thiệt hại mà còn mất thêm tiền bạc, thời gian làm vệ sinh ao.
Ngoài nguồn nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm, hiện nay, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện Tứ Kỳ không tìm được nguồn cung cấp con giống chất lượng nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Toàn huyện có khoảng 60% số hộ nuôi thủy sản chủ yếu ở xã Tiên Động và xã Tân Kỳ mua được con giống tốt từ những cơ sở cung ứng uy tín, còn lại đều mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Những con giống này thường hay bị bệnh, chậm phát triển.
Ngoài ra, tình trạng chung mà các vùng NTSTT ở đây gặp phải là hệ thống đường giao thông không thuận tiện cho sản xuất, thu hoạch. Đường vào khu NTSTT thường nhỏ, xe ô tô không vào được tận nơi, người dân phải thuê xe máy, hoặc dùng xe rùa chở cá ra đường lớn.
Người dân tự "bơi"Những năm qua, các vùng NTSTT của huyện Tứ Kỳ chưa được quan tâm thỏa đáng. Người dân phải tự đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất.
Tuyến đường chính ở vùng NTSTT xã Tiên Động dài 1,2 km, rộng hơn 3,5 m vừa được đổ bê tông do 14 hộ dân ở đây đầu tư xây dựng, mỗi hộ đóng góp từ 19 - 25 triệu đồng. Hiện nay, các hộ vẫn còn nợ các nơi cung cấp vật liệu xây dựng tới 80 triệu đồng.
Ngoài việc đầu tư một số tiền rất lớn vào mua đất, đào ao, xây bờ, kéo điện... anh Nguyễn Hữu Vinh ở xã Tân Kỳ bỏ hơn 100 triệu đồng để làm đường vào khu chăn nuôi của gia đình. Bên cạnh đó, để có được diện tích hơn 10 mẫu ao nuôi thủy sản như hiện nay, anh Vinh phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Anh Vinh chia sẻ: "Ròng rã cả năm trời tôi mới thuyết phục được hơn 100 hộ bán ruộng cho mình. Nhiều gia đình rất ủng hộ nhưng cũng không ít gia đình gây khó khăn. Nếu như địa phương đứng ra mua lại toàn bộ những diện tích được quy hoạch làm vùng nuôi thủy sản, sau đó chúng tôi mua lại thì đỡ vất vả hơn".
Thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường khiến dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Các hộ chăn nuôi đều phải tự mày mò khắc phục, việc tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn rất hạn chế. Do đó, hiệu quả khắc phục dịch bệnh không cao.
Hiện nay, huyện Tứ Kỳ có gần 150 vùng NTSTT có quy mô từ 2 ha trở lên, với diện tích khoảng 800 ha. Huyện dự kiến tiếp tục xây dựng thêm khoảng 60 vùng trong 5 năm tới. Để các vùng NTSTT của huyện phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện cần rà soát quy hoạch, cấp phép cho các hộ có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang nuôi thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và trợ giúp các xã, thị trấn thu hút nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về vốn, con giống; chú trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Xây dựng các mô hình ao nuôi thủy sản tiết kiệm chi phí đầu tư, dễ quản lý, chăm sóc. Huyện quan tâm đưa những giống thủy sản nước ngọt có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào sản xuất; đặc biệt là hỗ trợ bà con tìm đầu ra ổn định. Huyện cũng cần tính toán không nên mở quá nhiều vùng NTSTT, tránh cung vượt cầu. Các vùng NTSTT cần được bố trí tách biệt với vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn để tránh ô nhiễm nguồn nước. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước.
DANH TRUNG