Sau nửa năm thành lập, 2 văn phòng thừa phát lại (TPL) của tỉnh dần ổn định hoạt động, từng bước đi vào nền nếp, nhưng còn ít việc.
Người dân đến Văn phòng Thừa phát lại Thành Đông nhờ hỗ trợ, tư vấn pháp lý
Hải Dương hiện có 2 văn phòng TPL là Thành Đông (ở số 29 Trường Chinh, TP Hải Dương) và Sao Đỏ (ở số 443 Nguyễn Trãi 2, TP Chí Linh). Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Văn phòng TPL Sao Đỏ thực hiện được 23 vi bằng, Văn phòng TPL Thành Đông thực hiện được 7 vi bằng. Nội dung vi bằng chủ yếu xác nhận việc giao nhận tiền, tình trạng tài sản, ghi nhận cam kết của du học sinh với các công ty xuất khẩu lao động, du học… Các văn phòng vẫn chưa thực hiện tống đạt văn bản, thi hành án (THA) và xác minh THA.
Theo ông Tiêu Hà Dương, Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), văn phòng TPL đi vào hoạt động được kỳ vọng có thể chia sẻ, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức THA. Đồng thời tạo thêm quyền lựa chọn dịch vụ THA cho người dân. Đặc biệt, việc lập vi bằng sẽ giúp khách hàng tạo lập chứng cứ, lưu trữ văn bản, tài liệu trong các giao dịch, bảo vệ quyền lợi của họ khi xảy ra tranh chấp. Cụ thể, cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu lập vi bằng trong các trường hợp xác nhận: tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình, tình trạng nhà trước khi cho thuê, mua nhà, tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, tình trạng tài sản trước khi ly hôn, xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mức ô nhiễm môi trường, tình trạng công trình khi nghiệm thu…
Song thực tế, hoạt động của các văn phòng TPL vẫn còn gặp khó khăn. Ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng Văn phòng TPL Sao Đỏ cho biết hiện văn phòng có 3 TPL, 2 thư ký nghiệp vụ và 1 nhân viên văn phòng. Văn phòng có đủ điều kiện đáp ứng mọi yêu cầu liên quan đến lĩnh vực hoạt động TPL như lập vi bằng, tống đạt văn bản của tòa án, cơ quan THA dân sự, xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Nhưng sau 6 tháng hoạt động, văn phòng mới chỉ thực hiện được chức năng lập vi bằng. Theo ông Tiến, những khó khăn này xuất phát từ nhận thức của một số cơ quan, cán bộ, công chức về chế định TPL chưa đầy đủ. Các văn bản quy định của pháp luật của TPL còn thiếu đồng bộ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Văn phòng TPL Thành Đông phân tích thêm, hiện hiểu biết của người dân đối với việc lập vi bằng (công việc mà TPL thực hiện nhiều nhất) còn hạn chế. Hiện nay, nhiều mối quan hệ xã hội có nguy cơ xảy ra tranh chấp nhưng người dân chưa có thói quen tạo lập chứng cứ trong các giao dịch của mình. Họ chỉ tìm cách bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp. Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Bởi vậy, việc lập vi bằng còn có ý nghĩa phòng chống, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tranh chấp hoặc phạm tội giữa các giao dịch hoặc mối quan hệ xã hội…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới Văn phòng TPL Sao Đỏ sẽ triển khai các buổi tọa đàm, hội thảo với các tổ chức tín dụng, tổ chức xuất khẩu lao động, du học để tuyên truyền hoạt động của TPL trong quá trình thu hồi, xử lý nợ của tổ chức, tín dụng, việc ghi nhận thỏa thuận, cam kết của các bên trong hoạt động xuất khẩu lao động, du học…
Trưởng các Văn phòng TPL Thành Đông, Sao Đỏ mong muốn các cấp, ngành phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về mục đích, ý nghĩa, vai trò của TPL để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu và tin tưởng vào hoạt động của các văn phòng, góp phần giúp các văn phòng TPL tạo dựng được chỗ đứng, cung cấp dịch vụ tư pháp mới cho các tổ chức, cá nhân.
HÀ NGA
TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về THA dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, TPL được thực hiện các công việc sau: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THA dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức THA các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. TPL không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan THA dân sự chủ động ra quyết định THA. Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. |