Các trường đại học Nga đang tìm cách hợp tác với các trường đại học ở Trung Quốc trong bối cảnh xung đột Ukraine đóng băng mối quan hệ học thuật của xứ sở Bạch Dương với Mỹ và châu Âu.
Đại học Sán Đầu là một trong các trường đại học Trung Quốc thành lập chương trình học liên kết với đại học Nga
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong lần hợp tác mới nhất, Đại học Synergy của Moskva đã công bố hợp tác với Đại học Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc để đào tạo sinh viên có chuyên môn về thương mại quốc tế cũng như tiếng Trung và tiếng Nga.
Theo hãng tin Sputnik, 35 sinh viên Nga dự kiến ghi danh vào chương trình bằng kép mới vào tháng 9. Sau 2 năm học tập ở Moskva, những sinh viên này sẽ chuyển đến Sán Đầu. Tại đây, họ sẽ học kinh tế chính trị, khởi nghiệp sáng tạo và thương mại quốc tế bằng tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Anh.
Artem Vasiliev, hiệu trưởng trường đại học, cho biết chương trình liên kết được đưa ra để đáp ứng nhu cầu do thương mại song phương đang bùng nổ.
"Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại Nga-Trung, và do đó cần có các chuyên gia trong lĩnh vực này. Chương trình mới của chúng tôi nhằm mục đích đào tạo những người như vậy, những chuyên gia có nền tảng giáo dục kinh doanh và thông thạo song ngữ tiếng Nga và tiếng Trung", đài Sputnik trích lời ông Vasiliev.
Trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách cô lập Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine, các trường đại học Nga đang chuyển sang các đối tác ở Trung Quốc, nơi giáo dục đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi nước này tìm kiếm sự tự lực lớn hơn về khoa học và công nghệ khi cạnh tranh địa chính trị ngày càng cao với Mỹ .
Hồi tháng 3, trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và cao đẳng và hỗ trợ thành lập một liên minh gồm các trường đại học và trung học ở Nga và Trung Quốc”. Hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác đào tạo nghề và giáo dục ngôn ngữ.
Guo Qiang, giáo sư tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh, người đã nghiên cứu về quan hệ giáo dục Trung-Nga, nhận định sự hợp tác sâu sắc hơn trong giáo dục đại học phản ánh mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn, chủ yếu do áp lực chung từ phương Tây.
"Cả Trung Quốc và Nga đều đang phải đối mặt trước sức ép ý thức hệ và cạnh tranh chiến lược từ phương Tây.Trước tình thế này, không thể đạt được sự tin tưởng lẫn nhau sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Nga nếu không có sự hợp tác giữa người với người, trong đó quan trọng nhất là hợp tác giáo dục”, Giáo sư Guo lý giải.
Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022, nhiều trường đại học châu Âu và Mỹ đã đình chỉ hợp tác với các cơ sở của Nga. Một số nước châu Âu, bao gồm Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy và Litva, đã yêu cầu các trường đại học của họ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga.
Theo Giáo sư Guo, thay vì ngăn cản các trường đại học Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine có khả năng thúc đẩy họ tìm kiếm sự hợp tác với Nga - nơi có một trong những lực lượng lao động khoa học và kỹ thuật lớn nhất thế giới. “Ở một mức độ nào đó, xung đột Ukraine có thể làm tăng động lực của Nga trong việc can dự với Trung Quốc khi sự hợp tác của nước này với phương Tây bị gián đoạn".
Vài tuần sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập một học viện giữa Đại học Hàng hải Quảng Đông và Đại học Kỹ thuật Hàng hải Quốc gia St Petersburg - trường đại học kỹ thuật hàng hải hàng đầu của Nga.
Theo trang web của Đại học Hàng hải Quảng Đông, tổ chức này sẽ "đào tạo các chuyên gia song ngữ về kỹ thuật hàng hải và ngoài khơi cũng như các luật quốc tế liên quan".
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này có 21 tổ chức chung được thành lập bởi các trường đại học Trung Quốc và Nga, với tổng số 93 chương trình giáo dục trong các lĩnh vực từ khoa học máy tính và hàng không vũ trụ đến biểu diễn nghệ thuật.
Các trường đại học Nga cũng đang tăng cường nỗ lực thu hút sinh viên Trung Quốc, những người có truyền thống thích học tập ở các nước nói tiếng Anh.
Tháng 10.2022, Đại học quốc gia Moskva, trường đại học danh giá nhất của đất nước, đã mở một tài khoản trên Weibo - một trong những mạng truyền thông xã hội hàng đầu của Trung Quốc.
Tháng 12.2022, Đại học Bách khoa St Petersburg đã ký thỏa thuận thành lập các khóa học tiếng Anh trên XuetangX, một nền tảng giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc. Đến tháng 6 năm nay, 3 khóa học đầu tiên đã được ra mắt.
Kevin Huang, 19 tuổi, đăng ký chương trình liên kết 4 năm của Đại học Liên minh Bắc Kinh và Đại học Giao thông vận tải Nga ở thủ đô Trung Quốc, chia sẻ: “Chúng tôi học sáu tiết tiếng Nga một tuần, trong khi các sinh viên khác ngành cùng trường chỉ có hai tiết tiếng Anh. Chúng tôi bắt đầu từ đầu và cần trang bị cho mình khả năng ngôn ngữ tốt hơn để có thể đến Nga du học”, cậu sinh viên ngành kỹ thuật điện cho hay.
Theo Báo Tin tức