Nhiều trường ĐH đã đưa ra mức điểm xét tuyển nguyện vọng 1, cũng như các tiêu chí phụ, những ưu tiên để không “bỏ sót” thí sinh phù hợp với trường.
Trường top trên: Từ 17-22 điểm
Với những trường top trên, mức điểm xét tuyển dao động từ 17- 22 điểm. Mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH hệ chính quy đợt 1 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là 17 điểm đối với cơ sở đào tạo phía Bắc và 15 điểm đối với cơ sở đào tạo phía Nam. Bên cạnh đó, Học viện áp dụng chính sách học bổng đặc biệt miễn, giảm từ 50 - 100% học phí trong suốt quá trình học tập cho các thí sinh có thành tích học tập cao. Cụ thể: Miễn 100% học phí cho thí sinh đạt kết quả thi từ 27 điểm trở lên (tính điểm 3 môn xét tuyển) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì; miễn 50% học phí cho các thí sinh đạt kết quả thi từ 25 điểm - 26,5 điểm (tính điểm 3 môn xét tuyển) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Ảnh: Quý Trung |
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại Thương cho biết, mức điểm ĐH Ngoại Thương nhận hồ sơ của thí sinh ở đợt 1 là 22 điểm khối A, 20 điểm cho hai khối A1 và D. Riêng các khối ngành ngôn ngữ, do môn ngoại ngữ nhân hệ số 2 nên điểm nhận hồ sơ là 27 điểm. Điều kiện xét tuyển của ĐH Ngoại Thương là thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm từng năm học THPT từ loại khá trở lên. Điểm trúng tuyển vào trường xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi, trong đó điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nhật, điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2. Điểm trúng tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nhật và các ngành học tại cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.
Trường top giữa: Bằng mức điểm của Bộ đưa ra
Với các trường top giữa, mức điểm xét tuyển của trường đa số bằng với ngưỡng đầu và mà Bộ GD - ĐT quy định. Theo lãnh đạo các trường thì mức điểm này phù hợp với thực tế phổ điểm mà trường cần tuyển, dựa trên phổ điểm chi tiết mà Bộ GD - ĐT công bố.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lấy 15 điểm làm ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho hệ đại học của các khối (tổ hợp môn thi), ngành đã ghi trong cuốn “Những điều cần biết tuyển sinh 2015” . Trong đó, ngành Kiến trúc, môn vẽ mỹ thuật nhân hệ số 2. Các ngành Thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp; môn bố cục màu và môn hình họa nhân hệ số 2. Với hệ cao đẳng, trường lấy ngưỡng xét tuyển là từ 12 điểm cho tất cả các khối (tổ hợp môn thi).
Trường ĐH Nội vụ cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ 15 điểm trở lên. Trường dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển đối với nhóm môn 1 gồm các môn toán, tiếng Anh, ngữ văn và nhóm 2 gồm: Ngữ văn, lịch sử, địa lý. Số chỉ tiêu còn lại dành cho nhóm 3 gồm các môn toán, vật lý, tiếng Anh và nhóm 4: Toán, ngữ văn, lịch sử.
Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết, những thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc là thành viên đội tuyển quốc gia môn tiếng Anh được công nhận kết quả tương đương theo quyết định của nhà trường. Trường lấy mức điểm xét tuyển đầu vào là 15 điểm, đồng thời thí sinh tốt nghiệp THPT phải có điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 5,5 trở lên. ĐH Luật Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội thông báo, trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ 15 điểm trở lên bằng ngưỡng điểm mà Bộ GD- ĐT công bố.
Theo ghi nhận, tại các website của các trường ĐH nêu trên và nhiều trường ĐH phía Nam đã cập nhật những thông tin mới nhất của trường về mức điểm xét tuyển cho tổ hợp môn thi cũng như những điều kiện phụ đi kèm. Lãnh đạo một số trường ĐH đưa ra lưu ý, nếu làm hồ sơ nguyện vọng 1 thì thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, có dấu đỏ. Mỗi người chỉ có duy nhất một giấy chứng nhận này, sẽ không được cấp lại nếu xảy ra mất mát hoặc thất lạc. Hồ sơ còn có mẫu đăng ký xét tuyển được đăng tải trên website từng trường.
Theo quy định của Bộ GD - ĐT, tại nguyện vọng 1, thí sinh có thể xét tuyển 4 ngành trong một trường theo thứ tự ưu tiên, ví dụ: 1a, 1b, 1c, 1d. Trước hết, các trường xét nguyện vọng 1a của tất các thí sinh. Những thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xem xét các nguyện vọng tiếp theo (1b, 1c, 1d). Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1a, khi xét tuyển nguyện vọng 1b sẽ được xem xét một cách bình đẳng với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển cùng ngành đó. Các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1b sẽ được xem xét nguyện vọng 1c và cuối cùng là 1d.
Lê Vân (Tin tức)