2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều nơi lao đao, thậm chí hầu hết những trung tâm lớn giờ đều đang phải cửa đóng then cài...
Có lẽ chưa lúc nào các trung tâm bóng đá cộng đồng tại Việt Nam bị “sao chổi quét” như năm nay. Nói thế, bởi những tháng hè là quãng thời gian các trung tâm bóng đá cộng đồng ăn nên làm ra nhất, nhưng giờ đây khi dịch bệnh kéo dài, đặc biệt tại các tỉnh thành lớn, khiến các trung tâm đều rơi vào cảnh tan tác.
Nói đâu xa, Học viện bóng đá cộng đồng CV9 của cựu tuyển thủ Lê Công Vinh thời gian qua hoạt động khá rầm rộ tại TP Hồ Chí Minh. Đây được xem là mô hình chuẩn về bóng đá cộng đồng trong cả nước, nhiều cựu tuyển thủ như Quang Thanh, Hồng Tiến, Sỹ Mạnh, Ngọc Anh… tham gia huấn luyện nên thu hút rất nhiều “cậu ấm, cô chiêu” đến tham gia tập luyện. Thế nhưng, học viện này đã phải đóng cửa từ đầu tháng 5 vì dịch Covid-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh. Lê Công Vinh chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát là tôi đã tạm đóng cửa học viện, vì sức khỏe của các con và cộng đồng là quan trọng nhất. Cứ ngỡ chỉ đóng cửa tạm nghỉ khoảng 1 tháng là cùng, chẳng ngờ đã kéo dài hơn 3 tháng, lại ngay lúc cao điểm là thời gian hè”.
Cũng vì nghĩ học viện chỉ tạm đóng cửa khoảng 1 tháng nên cựu tuyển thủ Hồng Tiến - bạn thân của Công Vinh từ Nghệ An vào hỗ trợ trong việc giảng dạy - đã ở lại TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc huấn luyện. Chẳng ngờ dịch bệnh diễn biến phức tạp và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phong toả theo Chỉ thị 16, khiến Hồng Tiến chẳng thể quay về với gia đình. “Tôi đã kẹt lại TP Hồ Chí Minh suốt thời gian qua. Hơn 3 tháng nay tôi không bước chân ra ngoài đường”, Hồng Tiến bày tỏ.
Trung tâm bóng đá cộng đồng Star Kids của cựu tuyển thủ Võ Duy Nam phải đóng cửa từ tháng 7 vì dịch Covid-19
Ngược với Học viện bóng đá cộng đồng CV9, Trung tâm bóng đá Ngọc Hùng của cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng ở mức độ bình dân hơn, nhưng lại mở rộng khắp và đây cũng là nơi cung cấp các “ngọc thô” cho những lò đào tạo chuyên nghiệp như B.Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai... So với Học viện CV9, Trung tâm Ngọc Hùng đến đầu tháng 6 mới cho các học viên nghỉ và hiện cả thầy lẫn trò đều “ở đâu thì nằm im đấy”.
Cựu cầu thủ Ngọc Hùng cho biết: “Hè là quãng thời gian được xem là ăn nên làm ra của các trung tâm bóng đá cộng đồng, nhưng do dịch bệnh nên giờ đây tất cả đều đóng cửa. Ban đầu, chúng tôi còn hỗ trợ được các thầy một khoản tiền lương của tháng 5 và 6, nhưng đến tháng 7 thì chịu chết vì trung tâm chẳng còn đồng nào”.
Nào chỉ các trung tâm bóng đá tại TP Hồ Chí Minh lao đao vì dịch bệnh, các trung tâm bóng đá của các cựu tuyển thủ như Nguyễn Quang Hải, Võ Duy Nam (Nha Trang), Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh (Đà Nẵng), Lê Văn Trương (Huế) hoặc Mai Tiến Thành, Phạm Minh Đức, Nguyễn Đức Thắng (Hà Nội)… đều đang trong cảnh cửa đóng then cài vì dịch Covid-19.
Cựu tuyển thủ Võ Duy Nam chia sẻ: “Nha Trang mới bùng dịch từ tháng 7 nên trung tâm bóng đá cộng đồng Star Kids của tôi cũng dừng hoạt động luôn từ lúc ấy, nhưng ở đây vẫn ổn hơn so với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài việc huấn luyện bóng đá cộng đồng, tôi còn bán thêm yến sào để kiếm sống, nhưng từ hơn tháng nay có bán được lạng yến nào đâu vì hầu hết đều không nhận vận chuyển. Chỉ mong dịch bệnh qua mau cho đời sống xã hội trở lại bình thường”.
Có lẽ chưa lúc nào các trung tâm bóng đá cộng đồng trên cả nước rơi vào cảnh khó khăn như lúc này, khi dịch bệnh đang khiến cả nước ta phải lao đao.
Bóng đá cộng đồng không còn quá “hot”
Cựu tuyển thủ Mai Tiến Thành bày tỏ: “Thời gian qua, nhờ dư chấn thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 nên các trung tâm bóng đá cộng đồng mở nhiều như nấm sau mưa, nhưng giờ đã không còn quá “hot” nữa. Hiện tại, các trung tâm cũng vắng dần, thậm chí đóng cửa. Ngay tôi cũng đã đóng cửa trung tâm bóng đá cộng đồng của mình tại Hà Nội”.
Theo Bongdaplus