Hỏi: Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử đại biểu HĐND các cấp gồm những tổ chức nào?
Trả lời: Các tổ chức phụ trách bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp gồm có:
- Hội đồng bầu cử quốc gia.
- Các Ủy ban bầu cử được thành lập ở các đơn vị hành chính có tổ chức HĐND gồm:
+ Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn.
- Các Ban bầu cử được thành lập ở từng đơn vị bầu cử gồm:
+ Ban bầu cử ĐBQH.
+ Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.
+ Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện.
+ Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.
- Các Tổ bầu cử được thành lập ở từng khu vực bỏ phiếu.
Hỏi:Các tổ chức phụ trách bầu cử hoạt động theo nguyên tắc nào?
Trả lời: Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (bao gồm các Ủy ban bầu cử, các Ban bầu cử, các Tổ bầu cử) hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Các quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia, của các Ủy ban bầu cử ở các đơn vị hành chính được thông qua và thể hiện dưới hình thức nghị quyết.
Theo sách "Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026