Các quy định, chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5.2023

30/04/2023 16:55

Một số quy định, chính sách giáo dục liên quan trực tiếp tới giáo viên và người học sẽ có hiệu lực trong tháng 5.2023.


Giáo viên sẽ được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm - Ảnh: VĨNH HÀ

Các quy định, chính sách giáo dục mới liên quan tới giáo viên, học sinh có hiệu lực trong tháng 5.2023 đều là những nội dung được nhiều người mong đợi.

Sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Ngày 24.3.2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐ sửa đổi một số điều quy chế thi tốt nghiệp THPT. Thông tư có hiệu lực từ 9.5.2023.

Theo đó, những sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan tới các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ luật, đảm bảo công bằng, khách quan ở các khâu của kỳ thi. Nhưng có một số điểm mới liên quan trực tiếp tới thí sinh.

Thứ nhất ở khâu đăng ký dự thi, thí sinh là học sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự thi trực tuyến và Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh phải điền đầy đủ thông tin và minh chứng liên quan tới quyền ưu tiên (nếu có).

Thứ hai, quy chế mới quy định cụ thể những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi. Ngoài những vật dụng được phép, những thứ khác sẽ không được mang vào phòng thi.

Đặc biệt thí sinh sẽ không được mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể truyền, nhận thông tin trực tiếp khi không có thiết bị hỗ trợ. Các năm trước đây, bộ cho phép việc này với mục đích tăng thêm các kênh phát hiện gian lận trong phòng thi. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 9.5.2023.

Ban hành quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non

Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ GD&ĐT ban hành kèm thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT ngày 10.4.2023. Áp dụng với các khóa tuyển sinh sau ngày thông tư có hiệu lực thi hành và thay thế thông tư số 24/2019/TT-BGDĐT ngày 26.12.2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Quy chế này quy định về đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non bao gồm: chương trình đào tạo và thời gian học tập, phương thức tổ chức đào tạo, hình thức đào tạo, liên kết đào tạo, lập kế hoạch và tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp...

Quy chế cho phép sinh viên muốn trở thành giáo viên mầm non được chuyển cơ sở đào tạo khi có đủ điều kiện quy định.

Quy chế cũng quy định, sinh viên được xem xét chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm, vừa học của cơ sở đào tạo nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển đến.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 25.5.2023,

Điều chỉnh quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, có những điểm mới đáng lưu ý: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp. Không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng 1 phải có trình độ thạc sĩ. Giáo viên sẽ được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3 từ 9 năm xuống còn 3 năm. Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Với nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên nên thông tư này được đông đảo giáo viên mong đợi.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30.5.2023.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Các quy định, chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5.2023