Vụ chiêm xuân năm nay, huyện Thanh Hà gieo cấy 3.923 ha, trong đó có1.219 ha lúa lai. Đến ngày 1-6, toàn huyện đã thu hoạch hơn 400 ha, năng suất ước đạt 63 tạ/ha, riêng năng suất lúalai đạt 65 tạ/ha.
Vụ chiêm xuân năm nay, huyện Thanh Hà gieo cấy 3.923 ha, trong đó có 1.219 ha lúa lai, là năm có diện tích lúa lai cao nhất từ trước đến nay. Đến ngày 1-6, toàn huyện đã thu hoạch hơn 400 ha (tập trung ở các xã thuộc khu Hà Đông), năng suất ước đạt 63 tạ/ha, riêng năng suất lúa lai đạt 65 tạ/ha. Mặc dù nông dân đã thực hiện đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đầu tư chăm bón, song do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất lúa giảm trung bình từ 3 đến 5 tạ/ha. Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", nông dân Thanh Hà đang khẩn trương thu hoạch lúa đã chín.
* Sáng 2 - 6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho đại diện lãnh đạo UBND và một số hộ nông dân xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa xuân tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng), nhằm từng bước thay đổi tập quán cấy sớm của nông dân xã Hà Kỳ. Nhiều năm nay, nông dân xã Hà Kỳ thường cấy sớm trước lịch thời vụ, cấy nhiều mạ dược, nên thu hoạch lúa rất sớm, năng suất không cao. Ngược lại, nông dân xã Cẩm Hưng mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới, nhưng vẫn cấy lúa đúng lịch thời vụ, chủ yếu là trà xuân muộn, bằng phương thức gieo thẳng và mạ sân, nên đạt năng suất cao. Nông dân hai xã Cẩm Hưng và Hà Kỳ trao đổi kinh nghiệm thâm canh lúa như: biện pháp điều tiết nước, kỹ thuật gieo thẳng, làm mạ sân...
* Ngày 3 - 6, Trạm Khuyến nông huyện Tứ Kỳ tổ chức hội thảo đánh giá mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao T10, lần đầu tiên đưa vào sản xuất trên diện tích 6ha tại xã Cộng Lạc. T10 là giống lúa cấy được 2 vụ, có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ xuân thời gian 127- 132 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày. T10 thấp cây, thân cứng, lá dày, có khả năng kháng khô vằn, bạc lá trung bình; bông lúa to, hạt nhỏ, màu nâu sẫm, hạt gạo trong, cơm mềm, dẻo, mùi thơm, vị đậm; năng suất đạt 60- 65 tạ/ha, cao hơn một số loại giống khác. Trên diện tích thực nghiệm, giống T10 sử dụng phương pháp sạ hàng bằng giàn kéo tay thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, góp phần đem lại hiệu kinh tế cao hơn.
* Vụ xuân năm nay, xã Tân Dân (thị xã Chí Linh) gieo cấy 400ha lúa, trong đó lúa lai chiếm 25%. Toàn bộ diện tích lúa được bố trí ở trà xuân muộn, chủ yếu là các giống: Khang dân 18, Q5, lúa lai. Nông dân trong xã đã bỏ hẳn trà xuân sớm từ vụ xuân năm 2008, do các giống lúa ở trà này có thời gian sinh trưởng dài, tốn công chăm sóc, năng suất thấp hơn so với các giống lúa gieo cấy ở trà xuân muộn. Đến ngày 31-5, toàn xã đã thu hoạch 200ha lúa, chiếm 50% tổng diện tích gieo cấy. Ước tính, năng suất lúa toàn vụ đạt 2,1 tạ/sào, thấp hơn vụ xuân năm ngoái 0,1 tạ/sào. Các giống lúa lai (Syn6, Q.ưu 1) cho năng suất cao nhất, ước đạt 2,5 - 2,6 tạ/sào. Do bố trí thời vụ hợp lý và gieo cấy nhiều giống lúa lai, nên Tân Dân là một trong những địa phương có năng suất lúa xuân cao nhất của thị xã Chí Linh.
P.V