Nhiều nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng bất kỳ vaccine nào cũng không thể trở thành độc quyền và chúng phải được chia sẻ cho các quốc gia.
Thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10.4
Ngày 14.5, nhiều nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia trên thế giới nhất trí cho rằng bất kỳ loại vaccine cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19 an toàn và hiệu quả đều cần phải được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Pakistan Imran Khan nằm trong danh sách hơn 140 người ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng bất kỳ vaccine nào cũng không thể trở thành độc quyền và chúng phải được chia sẻ cho các quốc gia. Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan hoạch định chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẽ triệu tập phiên họp toàn thể thường niên vào tuần tới. Các bên ký kết vào bức thư trên đã kêu gọi WHA triệu tập họp vì lý do trên.
Theo nội dung bức thư, các chính phủ và đối tác quốc tế phải thống nhất rằng khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được phát triển, nó sẽ nhanh chóng được sản xuất quy mô lớn và có sẵn cho tất cả mọi người, ở tất cả các quốc gia và miễn phí. Điều này cũng được áp dụng đối với toàn bộ phương pháp điều trị, chẩn đoán cũng như các công nghệ khác liên quan tới COVID-19. Bức thư cũng có chữ ký của Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, và nhiều cựu tổng thống cũng như thủ tướng các nước trên thế giới.
Động thái trên diễn ra sau khi Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnes Pannier-Runacher cùng ngày cho biết "không thể chấp nhận được" Tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Pháp Sanofi ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho thị trường Mỹ trước tiên nếu hãng này tìm ra loại vaccine đó. Trước đó, Giám đốc điều hành Sanofi Paul Hudson cho biết Mỹ sẽ được tiếp cận với vaccine phòng COVID-19 đầu tiên vì nước này đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu vaccine.
Trong diễn biến liên quan, tại Ấn Độ, hai nhóm hoạt động về y tế đã gửi thư lên Chính phủ Ấn Độ kiến nghị hủy bỏ giấy phép độc quyền bào chế thuốc kháng virus Remdesivir đã trao cho công ty Gilead Sciences (Mỹ) để loại thuốc này được phân bổ công bằng hơn cho các bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo. Gilead Sciences được cấp 3 giấy phép độc quyền bào chế Remdesivir từ năm 2009 khi loại thuốc này đang được phát triển để điều trị cho bệnh nhân Ebola. Giấy phép này có hiệu lực đến năm 2035.
Theo TTXVN