Theo Tổng thống Pháp Macron, các mạng xã hội bao gồm cả TikTok đã lan truyền hình ảnh về những đêm bạo lực sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi không tuân thủ hiệu lệnh.
Biểu tượng của mạng xã hội TikTok
Ngày 6.7, các nghị sỹ Pháp kêu gọi chính phủ cấm TikTok nếu nền tảng chia sẻ video này không làm rõ cơ cấu quản lý hiện nay.
Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng mạng xã hội là nơi "tiếp tay" cho các vụ bạo loạn trong gần một tuần qua.
Một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp được thành lập nhằm xem xét cách thức xử lý dữ liệu và "chiến lược gây ảnh hưởng" của TikTok.
Trong bản khuyến nghị mới nhất, ủy ban trên nhấn mạnh cho TikTok thời hạn đến tháng 1.1.2024 để làm rõ các mối liên hệ của nền tảng mạng xã hội này, nếu không sẽ "cấm cửa" tại Pháp và có thể cả ở châu Âu.
Ủy ban trên đã tổ chức các cuộc điều trần trong 4 tháng qua, đề nghị các nhà điều hành TikTok nêu rõ cơ cấu quản lý nền tảng này, đồng thời yêu cầu cải thiện việc kiểm duyệt nội dung và đưa ra giới hạn độ tuổi người dùng phù hợp nếu không sẽ đình chỉ việc hoạt động của TikTok tại Pháp.
Những phát hiện của ủy ban điều tra trên hoàn toàn độc lập với các cơ quan chuyên môn của chính phủ.
Tuy nhiên, quan điểm đối với các nền tảng truyền thông xã hội đã trở nên cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Macron tuyên bố có thể cấm các nền tảng này nếu nước Pháp lại đối mặt với bạo loạn lan rộng như gần đây.
Theo Tổng thống Macron và các bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, các mạng xã hội bao gồm cả TikTok đã lan truyền hình ảnh về những đêm bạo lực sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi không tuân thủ hiệu lệnh ở ngoại ô Paris vào cuối tháng 6 vừa qua.
Các thượng nghị sỹ cũng ủng hộ ý tưởng chặn mạng xã hội trong thời điểm khủng hoảng và đề xuất TikTok buộc phải tăng cường kiểm duyệt trong trường hợp bạo lực bùng phát trong tương lai.
Các khuyến nghị này có thể được xem xét bổ sung thành các điều luật trong mùa Thu năm nay, từ đó có thể áp dụng đối với các nền tảng truyền thông xã hội khác.
Trước đó, TikTok đã bị cấm tại bang Montana của Mỹ cũng như phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ tại nhiều quốc gia.
Theo TTXVN