Những ngày này, lực lượng thi công đang khẩn trương san lấp mặt bằng xây dựng Trung tâm Thương mại xã Tráng Liệt (Bình Giang).
Lực lượng công an phụ trách xã ở Bình Giang thường xuyên dành 70% thời gian xuống cơ sở nắm bắt tình hình
Để có mặt bằng xây dựng, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều phải vào cuộc. Riêng với Tráng Liệt, đó là cả một quá trình kiên trì làm công tác dân vận. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt cho biết: Quy hoạch khu trung tâm thương mại của xã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2001 với diện tích ban đầu 11 nghìn m2, năm 2004 được điều chỉnh lên 79 nghìn m2 và năm 2007 điều chỉnh lại còn gần 76 nghìn m2. Vì nhiều lý do, dự án đã 3 lần phải thay đổi chủ đầu tư, ban đầu là UBND xã, tiếp đến UBND huyện và hiện nay là Công ty Tây Bắc đầu tư theo phương thức BOT. Tiến độ thực hiện dự án kéo dài, quá trình giải phóng mặt bằng (từ năm 2008 - 2011) gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc chủ yếu là 50% số hộ trong diện phải bàn giao mặt bằng không đồng ý với phương án đền bù của dự án. Bà con cho rằng khi thay đổi chủ đầu tư, chính quyền phải họp bàn với dân, thông tin cho nhân dân được biết. Hơn nữa, nếu chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân thì phương án đền bù phải khác với phương án đền bù của Nhà nước... Trước thực tế đó, đảng ủy, chính quyền xã đã xác định phải phát huy vai trò của công tác dân vận. Xã thành lập đoàn công tác gồm 3 tổ, do trưởng các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, trưởng khu dân cư làm thành viên, đến từng hộ dân vận động, thuyết phục. Đến một lần chưa được thì đến lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, có gia đình tổ công tác phải kiên trì đến tới chục lần, tranh thủ mọi thời gian thích hợp để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, nắm được đặc điểm sinh hoạt theo hội xóm của nhân dân, khối dân vận của xã thống nhất quan điểm, cách thức dân vận với các trưởng xóm. Thông qua các cuộc họp xóm để phân tích, giải thích cho dân. Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, cuối cùng việc giải phóng mặt bằng cũng được hoàn thành. 99% số hộ có đất nằm trong quy hoạch đã tự nguyện bàn giao mặt bằng xây dựng khu trung tâm thương mại.
“Dân vận khéo” cũng là biện pháp hiệu quả được Công an huyện Bình Giang thực hiện khi triển khai đề án “Làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự (ANTT)”. Thiếu tá Đặng Quang Tam, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT (Công an huyện) cho biết: Thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, hằng tuần, anh em trong đội tổ chức họp giao ban với lực lượng công an xã để nắm bắt tình hình địa bàn mình theo dõi; dành 70% thời gian làm việc để xuống cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân, xây dựng lực lượng cộng tác viên... Từ chỗ gần dân, hiểu dân, cán bộ phụ trách địa bàn mới có đủ thông tin để tham mưu cho đảng ủy, chính quyền địa phương ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng làng, khu dân cư an toàn; xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa của đề án và ký cam kết cùng thực hiện. Nhờ đó, sau 1 năm phát động, 100% số làng, khu dân cư và 35 trong tổng số 54 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện đề án. Cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn huyện đã nhận được 158 tin báo liên quan đến ANTT do quần chúng nhân dân cung cấp. Trong đó có 73 tin có giá trị, giúp lực lượng công an bắt giữ 17 vụ phạm pháp hình sự. Đã có 28 làng, 5 khu dân cư và 2 cơ quan được công nhận an toàn về ANTT. Ở xã Hùng Thắng, tất cả các thôn đều đạt tiêu chuẩn làng an toàn về ANTT...
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình “Dân vận khéo” của huyện Bình Giang năm 2011. Ngoài xã Tráng Liệt, còn có xã Hưng Thịnh thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng. Các xã Nhân Quyền, Vĩnh Hồng khéo vận động nhân dân trong xây dựng hạ tầng cơ sở. Hùng Thắng, Tân Việt, Cổ Bì làm tốt việc vận động nhân dân trồng cây vụ đông. Bình Minh, Bình Xuyên thực hiện xã hội hóa giáo dục... Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, để công tác dân vận phát huy hiệu quả, hằng quý, Ban Dân vận Huyện ủy tổ chức họp giao ban với bộ phận làm công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị, khối dân vận các xã, thị trấn; tổ chức tham quan trực tiếp các mô hình dân vận khéo ở cơ sở để cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm làm dân vận; tích cực bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận… Trong năm 2012, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức tọa đàm về “Dân vận khéo”, gắn công tác dân vận với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
THANH MAI