Nông nghiệp - Nông thôn

Nhiều lực lượng ở Hải Dương trắng đêm canh gác đê

PV 10/09/2024 07:40

Đã rất nhiều năm, mực nước sông Thái Bình trên địa bàn Hải Dương mới vượt mức báo động I, đến 7 giờ sáng 10/9 đã đạt mức báo động II. Suốt đêm 9/9, chúng tôi theo lực lượng tuần tra, canh gác làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tuyến đê.

00:00

z5814316346656_4cb68d552c7d6e751265c355ddd6822b.jpg
Sau nhiều năm, các điếm canh đê thuộc hệ thống đê sông Thái Bình trên địa bàn Hải Dương mới tổ chức lực lượng thường trực, tuần tra, canh gác xuyên đêm

Sáng 9/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động số I trên hệ thống sông Thái Bình. Dù thông tin liên lạc vẫn còn bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão số 3 nhưng ngay lập tức lực lượng được phân công nhiệm vụ trực ở các điếm canh đê được huy động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Lựclu
Lực lượng tuần tra, canh gác và thường trực tại điếm canh đê do cấp xã thành lập, tổ chức thành các đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi lũ trên sông đạt mức báo động

Toàn tỉnh có 267 điếm canh đê thì trên hệ thống sông Thái Bình có tới 243 điếm, khoảng cách giữa cách giữa các điếm canh đê từ 1-2km. Quân số trực tại các điếm được bố trí theo từng cấp báo động và thời gian.

z5814318289293_c980c7e537a60544bb5f5cca5eb02a13.jpg
Đèn báo lũ được thắp sáng tại mỗi điếm canh đê

Cấp báo động I duy trì ngày 2 người đêm 4 người, báo động 2 ngày 4 người đêm 6 người, báo động 3 ngày 6 người, đêm 12 người. Khác với ban ngày, việc trông giữ đê vào ban đêm tương đối khó khăn, vất vả do điều kiện trời tối, hạn chế về tầm nhìn. Khu vực đê xa khu dân cư, không có điện lưới nên bất tiện. Song lực lượng được giao tuần tra, canh gác vẫn không nề hà, chấp hành nghiêm chỉnh quy định bảo vệ đê điều khi nước lũ lên cao.

z5814310004076_ba1928dea9b50775e5a9dfc3a551ea00.jpg
Kẻng báo động thông báo khi có sự cố đê điều

Ông Đặng Văn Luyên, 61 tuổi ở xã Minh Tân (Nam Sách) được phân trực ca đêm tại điếm canh đê tả sông Thái Bình trên địa bàn vào đêm 9/9. Ông Luyên cho biết bản thân bắt đầu công việc gác đê từ năm 1978 và sau hơn 30 năm mới quay lại làm nhiệm vụ này. “Nhiều năm sông Thái Bình không có lũ lớn ở mức báo động nên chúng tôi càng phải thận trọng, không được lơ là mất cảnh giác. Dự báo những ngày tới, mực nước sông sẽ dâng cao hơn, việc tuần tra, canh đê cũng áp lực, vất vả hơn. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, chúng tôi sẽ khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó”, ông Luyên chia sẻ.

z5814315335814_f35a35091844c7dc9680873d72651d4e.jpg
Tại các điếm canh đê đều trang bị vật dụng hỗ trợ công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố từ giờ đầu

Trong lúc chờ đến giờ đi tuần, ông Đặng Văn Duân, 53 tuổi cùng ở xã Minh Tân (Nam Sách) tranh thủ kiểm tra lại dụng cụ được trang bị tại điếm canh đê để hỗ trợ cho việc tuần tra, canh gác. Theo ông Duân, phải hàng chục năm nay tại các điếm canh đê sông Thái Bình mới lại treo đèn báo lũ. Nhiệm vụ tuần tra, canh gác đê rất quan trọng, nhằm phát hiện sớm các sự cố đê điều để thông báo xử lý kịp thời. Lực lượng canh đê phải thay phiên đi tuần theo quy định. “Ngày trước tuần tra, canh gác đêm, chúng tôi gần như thức trắng, đôi lúc thay phiên nhau chợp giấc để nghỉ lấy sức cho ca trực sau nhưng vẫn thấp thỏm không an tâm. Đêm 9/9 mới là đêm đầu tiên sau nhiều năm mới phải canh đê nên mọi người không chủ quan, chia kíp đi tuần”.

z5814308507582_2a3f5d5f9194838bd218f1e3c65f1b74.jpg
Việc tuần tra được chia theo từng kíp và thời gian đi tuần được triển khai theo từng mức độ báo động

Xã An Thượng (TP Hải Dương) có 3 điếm canh đê. Khi mực nước trên sông Thái Bình đạt báo động I, xã đã khẩn trương tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra. Tại điểm xung yếu trên địa bàn, địa phương thực hiện cắm nêu theo dõi vừa cảnh báo nguy hiểm, vừa đánh dấu xác định vị trí khi nước sông lên cao.

z5814321207691_9f6af84ea464ef3d9e9c4f42ba27ee3d.jpg
Lực lượng tuần tra, canh gác xã An Thượng (TP Hải Dương) triển khai cắm nêu cảnh báo điểm xung yếu đê điều

Ông Bùi Quang Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng thông tin ngoài thành lập các đội tuần tra, canh gác đê bảo đảm đủ quân số theo từng mức báo động, địa phương cũng xây dựng lực lượng dự phòng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ đê khi được điều động, phân công. Lãnh đạo địa phương sát sao trong việc kiểm tra, giám sát lực lượng canh đê bất kể ngày hay đêm.

Lực lượng tuần tra, canh gác và thường trực tại điếm canh đê khi có báo động lũ trên sông thực hiện nhiệm vụ theo dõi diễn biến đê điều, phát hiện kịp thời những sự cố, hư hỏng công trình đê điều, báo cáo nhanh cho đơn vị có thẩm quyền. Đồng thời tham gia vào việc xử lý, tu sửa sự cố và ngăn chặn các hành vi vi phạm đê điều.

z5814472217894_7a5c803ccceaab609a879e60d629c4cc (1)
Đồng chí Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương kiểm tra công tác tuần tra, canh gác tại điếm canh đê Trụ Thượng, xã Đồng Lạc (Chí Linh)

Đêm 9/9, rạng sáng 10/9, đồng chí Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương kiểm tra đột xuất công tác tuần tra, canh gác đê tại TP Chí Linh. Động viên lực lượng làm nhiệm vụ, đồng chí Bùi Văn Thăng yêu cầu phải bảo đảm quân số trực theo quy định. Lực lượng canh đê thường xuyên kiểm tra khu vực đê được giao nhiệm vụ, lưu ý các điểm xung yếu đã được cảnh báo trước. Khi phát hiện sự cố phải thông tin kịp thời tới chính quyền địa phương, Hạt Quản lý đê để sớm triển khai phương án xử lý.

Đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bùi Văn Thăng đề nghị lực lượng tuần tra, canh gác đê tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân dừng mọi hoạt động ngoài bãi sông để bảo đảm an toàn khi có báo động lũ.

Dự báo lũ trên các sông sẽ còn tiếp tục dâng khi lũ từ thượng nguồn đổ về. Một số tỉnh xung quanh Hải Dương đã xuất hiện sự cố đê điều, cầu cống... Vì thế sẽ còn những đêm trắng.

Phát lệnh báo động II trên hệ thống sông Thái Bình từ 7 giờ ngày 10/9

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy, hồ thủy điện Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy. Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 6 giờ ngày 10/9 là 5,02 m, cao hơn 0,02 m so với mức báo động II. Từ ngày 9 đến 11/9, trên các sông khu vực thượng lưu tỉnh, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ từ 1-3 m. Lũ trên sông Thái Bình sẽ tiếp tục vượt báo động II và có thể tiếp tục lên.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát lệnh báo động số II trên hệ thống sông Thái Bình từ 7 giờ ngày 10/9.

bhd_camde_1-6b4bd91de6798f3678c8548a9b543a43.jpg
bhd_camde_2-af20b8c64a17b2ad004a41b2af282ce1.jpg
Chi tiết công điện về việc phát lệnh báo động II trên hệ thống sông Thái Bình từ 7 giờ ngày 10/9
PV
(0) Bình luận
Nhiều lực lượng ở Hải Dương trắng đêm canh gác đê