Các kịch bản kết thúc chiến tranh tại Dải Gaza

01/08/2014 14:59

Cuộc chiến khốc liệt giữa Israel và Hamas đang leo thang tại Dải Gaza, trong khi đó, các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong màn sương mù của chiến tranh, một vài kịch bản kết thúc cuộc chiến này vẫn lờ mờ hiện ra.

Hiện còn quá sớm để nói rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc ra sao nhưng các hoạt động ngoại giao vẫn đang lặng lẽ diễn ra. Ngày càng có nhiều người cho rằng cuộc chiến này không thể kéo dài hơn nữa. Dưới đây là một số kịch bản kết thúc cuộc chiến giữa Israel và Hamas:

Kịch bản 1: Israel tuyên bố chiến thắng và ngừng bắn

Nếu lắng nghe kỹ sẽ thấy các nhà lãnh đạo Israel đều nói rằng chiến dịch tấn công Gaza là nhằm phá hủy những đường hầm dẫn vào Israel do Hamas xây dựng để tấn công Israel. Quân đội Israel cho biết họ đã phát hiện và đang phá hủy hơn 20 đường hầm và cho rằng vẫn còn nhiều đường hầm khác. Một khi công việc phá hủy những đường hầm này kết thúc, Israel có thể rút quân và tuyên bố chiến thắng, hoặc thậm chí là đơn phương tuyên bố ngừng bắn. Hy vọng ở đây là sự tàn phá mà Dải Gaza đã phải gánh chịu sẽ buộc Hamas suy nghĩ lại và lặng lẽ chấp nhận trở lại nguyên trạng như trước đây: không có rocket nhằm vào hướng Israel; không có các cuộc không kích và bắn phá Gaza.

Tuy nhiên, kịch bản này có thể không thành công. Hamas đã khiến người dân tại Gaza phải chịu đựng quá nhiều nên chắc chắn Hamas cho rằng họ phải đạt được điều gì đó để thể hiện những nỗ lực của họ, đó là Dải Gaza phải được nới lỏng phong tỏa. Việc bắn rocket sẽ còn tiếp diễn và sự thù địch giữa hai bên sẽ nhanh chóng trở lại.

Mặc dù còn nhiều do dự, song có thể cuối cùng Israel sẽ tái chiếm dải đất này, cho dù phải trả giá bằng hàng trăm sinh mạng của các binh lính và sau đó phải chịu gánh nặng trách nhiệm với gần 2 triệu dân tại Gaza. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa thì thậm chí có khả năng một lực lượng của NATO sẽ được phái tới để lập lại hòa bình và tái xây dựng Gaza. Điều này có thể sẽ không cần thiết bởi cuối cùng thì Hamas sẽ hết rocket. Tuy nhiên, hiện nay kho vũ khí của Hamas được cho là còn hàng nghìn rocket nữa, Israel sẽ tiếp tục tấn công trả đũa và sự phá hủy sẽ còn kéo dài thêm nhiều tuần nữa.

Kịch bản 2: Chính quyền Palestine tiếp quản đường bên giới với Ai Cập

Hamas muốn chấm dứt việc bị Israel phong tỏa, vốn bắt đầu sau khi lực lượng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine năm 2006 và sau đó chiếm Dải Gaza năm 2007. Tuy nhiên, Israel sẽ tiếp tục phong tỏa đường biển và không phận chừng nào Hamas còn kiểm soát Dải Gaza bởi lo ngại rằng Hamas sẽ nhập khẩu những rocket lớn hơn và nhiều vũ khí hơn. Israel cũng sẽ còn lâu mới mở cửa đường biên giới cho người dân Gaza bởi nước này còn nhớ rất rõ những vụ đánh bom liều chết xảy ra cách đây một thập kỷ.

Có một cách để nới lỏng thế bao vây của Dải Gaza: mở cửa biên giới phía Nam gần thị trấn Rafah dẫn tới Ai Cập, và để đường biên giới phía Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Palestine (PA) chứ không phải Hamas. Cairo tỏ ra thờ ơ với ý tưởng mở đường biên giới này song rất quan tâm tới việc PA sẽ tiếp quản việc kiểm soát được biên giới. Ai Cập dường như không có ý muốn giúp Hamas chống lại Israel, coi Gaza là không phải vấn đề của mình, và lo ngại các tay súng tại Gaza sẽ dần xâm nhập vào lãnh thổ Ai Cập và làm phức tạp thêm những vấn đề của Ai Cập ở bán đảo Sinai. Tuy nhiên, việc PA kiểm soát biên giới với Ai Cập có thể được coi là chiến thắng đối với tất cả các bên: Hamas đã phá vỡ thế bao vây; PA trở lại điều hành Dải Gaza; Israel không mất quá nhiều trong cuộc chiến này; người dân tại Dải Gaza được giải vây; và Ai Cập trở thành anh hùng.

Kịch bản 3: Chính quyền Palestine tiếp quản Dải Gaza

Nhiều người quên rằng việc Israel phong tỏa Gaza bắt đầu sau khi Hamas nắm quyền cai trị dải đất này. Việc phong tỏa có thể vừa để trừng phạt Hamas và vừa để ngăn chặn lực lượng này sở hữu nhiều vũ khí hơn. Tại thời điểm hiện nay, mục đích thứ hai là mục đích chính. Tuy nhiên, Hamas có thể chấp nhận những điều kiện mà cộng đồng quốc tế đặt ra cho họ: công nhận Israel, tuân thủ các thỏa thuận trước đây, từ bỏ bạo lực. Việc chấp nhận những điều kiện này cũng có thể giúp Hamas phá bỏ được thế bao vậy. Tuy nhiên không ai cho rằng Hamas sẽ làm như vậy bởi như thế đồng nghĩa với việc Hamas sẽ sụp đổ. Có một nguyên tắc chung là: không có Hamas thì Gaza sẽ không bị phong tỏa.


Quân đội Palestine trong cuộc chiến tại Dải Gaza

Tổng thống Palestine ở Bờ Tây Mahmoud Abbas và Hamas đã ký thỏa thuận thành lập "chính phủ thống nhất" cách đây hai tháng, tuy nhiên hầu như không ai cho rằng Hamas sẽ từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza. Israel đã mạnh mẽ phản đối thỏa thuận này, tìm cách vận động cộng đồng quốc tế xa lánh ông Abbas - một phần trong một chuỗi các sự kiện là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến hiện nay. Thực chất, "chính phủ thống nhất" của Palestine đã bị chết yểu, tuy nhiên cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể "hồi sinh" thỏa thuận này, đặc biệt nếu cuộc chiến dẫn tới việc ngừng phong tỏa Gaza. Hamas sẽ rất khó phản đối thỏa thuận này nếu nó đi kèm với những khoản viện trợ tài chính lớn, ví dụ như hàng tỷ USD tiền viện trợ từ các nước vùng Vịnh và phương Tây, với điều kiện PA nắm quyền điều hành. Sau tất cả, người dân tại Gaza ủng hộ Hamas với mong muốn cuộc sống của họ được cải thiện chứ không phải chiến đấu đến chết với Israel.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao của Đức và Pháp nói rằng việc PA trở lại nắm quyền điều hành Dải Gaza là cách duy nhất để đảm bảo cho một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn. Trong bối cảnh Hamas không nhận được nhiều sự ủng hộ tại Gaza như hiện nay và ngân sách của Hamas cũng đang cạn kiệt, đây không phải là điều không thể.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các kịch bản kết thúc chiến tranh tại Dải Gaza