Các khu di tích tăng cường phòng chống dịch

12/03/2021 09:26

Các khu di tích được hoạt động trở lại đều chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách thập phương.


Du khách rửa tay sát khuẩn trước khi vào di tích Côn Sơn (Chí Linh)

Khi được hoạt động trở lại, các khu di tích ở 8 địa phương thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Chấp hành nghiêm

Đến khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) thời điểm này, du khách phải thực hiện đầy đủ các bước trước khi qua cổng soát vé gồm đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay kháng khuẩn và quét mã QR. Ban Quản lý (BQL) di tích đã bố trí mỗi cổng vào một cụm pa nô tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống dịch; đặt biển mã QR và bố trí lực lượng trực để nhắc nhở, hỗ trợ nhân dân khi cần. 

Trong khuôn viên di tích hay trước cửa các khu thờ tự đều có bàn để dung dịch sát khuẩn tay khô phục vụ du khách. Hệ thống loa phát thanh liên tục phát đi thông điệp "5K" (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế)... 

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: "Ngay sau khi được mở cửa trở lại vào ngày 3.3, BQL di tích đã phun thuốc khử khuẩn toàn bộ di tích, lau dọn, vệ sinh các nơi thờ tự. BQL di tích cũng yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ khách tham quan phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc, thường xuyên rửa tay sát khuẩn... Đối với nhân dân và du khách bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để bảo đảm an toàn phòng dịch mới được vào di tích”.

Tại đền Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang), ngay thời điểm dịch bùng phát ở Hải Dương, BQL di tích đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch bằng cách phân luồng khách ngay từ cổng vào. Khách sẽ vào một cổng và ra một cổng để tránh tụ tập đông người. Trước cổng vào di tích có lực lượng cán bộ y tế, an ninh… luôn trực để nhắc nhở người dân chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Sau giãn cách xã hội toàn tỉnh, di tích được mở cửa thì những biện pháp phòng chống dịch cũng nhanh chóng được kích hoạt trở lại.

Điểm mới lần này là BQL di tích bố trí lực lượng hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế qua quét mã QR, đồng thời vẫn duy trì việc lấy thông tin khách hàng qua sổ theo dõi đối với các trường hợp không sử dụng điện thoại thông minh; không để quá 30 người vào di tích cùng một thời điểm; kiên quyết kiểm soát để tránh bỏ lọt các trường hợp du khách có biểu hiện ho, sốt… BQL di tích thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ di tích mỗi tuần 1 lần.

Ưu tiên phòng dịch

Mặc dù được mở cửa trở lại nhưng các di tích ở TP Chí Linh hoạt động cầm chừng, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người theo đúng tinh thần Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Theo truyền thống, từ ngày 22-24 tháng giêng hằng năm sẽ diễn ra lễ hội đền Cao (phường An Lạc). Năm nay, BQL di tích Chí Linh chỉ tổ chức dâng hương theo nghi thức truyền thống. Công tác tuyên truyền thay vì hướng đến quảng bá hình ảnh, các hoạt động sôi động của di tích thì năm nay ưu tiên cho tuyên truyền phòng chống dịch. 

Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng BQL di tích Chí Linh cho biết sau khi mở cửa trở lại, BQL di tích đã huy động lực lượng triển khai các công tác phòng chống dịch. Mỗi di tích bố trí từ 4-6 nhân viên cùng với lực lượng an ninh trực để hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách khi tới di tích. “Trong trường hợp có đoàn đông người, chúng tôi đề nghị tách đoàn để tránh tập trung đông người. BQL di tích cũng khuyến cáo người dân không tập trung đến di tích cùng thời điểm để bảo đảm an toàn. Hiện nay, công tác phòng chống dịch là quan trọng nhất, phải ưu tiên hàng đầu”, ông Dũng nói.

Hiện nay, các di tích ở thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng và TP Hải Dương vẫn chưa được mở cửa trở lại. Tại Kinh Môn và Cẩm Giàng, BQL di tích ở hai địa phương đã chủ động công tác phòng chống dịch. Các BQL di tích đều thiết lập tổ "Covid cộng đồng” được trang bị các kỹ năng cần thiết để khi được mở cửa trở lại là sẵn sàng hoạt động. Trong thời gian thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, BQL các di tích vẫn bố trí lực lượng vệ sinh, phun khử khuẩn tại các khu di tích; chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang y tế… bảo đảm đầy đủ cho lực lượng trực tiếp công tác và nhân dân tới tham quan, chiêm bái.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các khu di tích tăng cường phòng chống dịch