Các khóa Quốc hội và vai trò lịch sử

24/12/2010 04:47

Ngày 26-4-1964, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III được tiến hànhtrên toàn miền Bắc. 336 đại biểu đã được bầu vào Quốc hội khóa III.


Quốc hội khóa III (1964-1971)


Ngày 26-4-1964, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III được tiến hành trên toàn miền Bắc. 336 đại biểu đã được bầu vào Quốc hội khóa III. Ngoài ra còn có 89 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam vĩ tuyến 17 được kéo dài nhiệm kỳ. Như vậy, Quốc hội khóa III có tổng số 455 đại biểu.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III khai mạc ngày 27-6-1964 tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu các vị lãnh đạo Nhà nước, thành lập Chính phủ mới và bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 23 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết. Ông Trường Chinh được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chủ tịch là các ông; bà: Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Thập, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Hưởng; Tổng Thư ký là ông Tôn Quang Phiệt.

Quốc hội khóa III là Quốc hội xây dựng đất nước thời chiến. Quốc hội và Chính phủ đã động viên quân và dân miền Bắc nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, tích cực xây dựng và bảo vệ miền Bắc, hết lòng, hết sức chi viện cho miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và bước đầu đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết định về điều chỉnh các tổ chức của bộ máy Chính phủ, điều động, bố trí các cán bộ cấp cao của Chính phủ, thực hiện quyền giám sát...Quốc hội khóa IV (1971-1975)

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV diễn ra ngày 11-4-1971. Cử tri lựa chọn bầu được 420 đại biểu vào Quốc hội khóa IV. Tại Kỳ họp thứ nhất ngày 6-6-1971, Quốc hội khóa IV đã bầu các vị đứng đầu cơ quan Nhà nước và thành lập Chính phủ mới; bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 23 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết; ông Trường Chinh được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chủ tịch gồm các ông, bà: Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Tấn, Nguyễn Thị Thập, Tổng thư ký là ông Tôn Quang Phiệt.

Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội khóa IV đã họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 lần, thông qua 559 nghị quyết. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IV đã nghiên cứu thông qua phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế năm 1972, 1973 và kế hoạch 2 năm 1974 - 1975; phê chuẩn các dự án và quyết toán ngân sách hằng năm của Nhà nước. Hoạt động trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quốc hội khóa IV đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Các khóa Quốc hội và vai trò lịch sử