Các khóa Quốc hội và vai trò lịch sử

28/12/2010 05:20

Quốc hội khóa VII là một trong những nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã ban hành được một số lượng văn bản luật tương đối lớn, bao gồm 9 luật và bộ luật, 14 pháp lệnh.


Quốc hội khóa VII (1981-1987)

Ngày 26-4-1981, cử tri đã bỏ phiếu bầu 496 đại biểu Quốc hội khóa VII. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII khai mạc ngày 24-6-1981 đã bầu ông Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội gồm: ông Xuân Thủy, ông Nguyễn Xuân Yêm, ông Nguyễn Xiển, bà Y Pah (tức Y Một), ông Cầm Ngoan, ông Huỳnh Cương, Hòa thượng Thích Thế Long, Linh mục Võ Thành Trinh, ông Phan Anh. Kỳ họp Quốc hội cũng tiến hành bầu Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Bộ trưởng, các Ủy ban của Quốc hội...

Quốc hội khóa VII là một trong những nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã ban hành được một số lượng văn bản luật tương đối lớn, bao gồm 9 luật và bộ luật, 14 pháp lệnh. Đặc biệt lần đầu tiên Nhà nước ta ban hành Bộ luật Hình sự. Quốc hội cũng coi trọng vai trò giám sát đối với hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước khác.

Quốc hội khóa VIII (1987-1992)

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII được tiến hành ngày 19-4-1987 đã bầu 496 đại biểu Quốc hội. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII khai mạc ngày 17-5-1987 đã bầu ông Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch gồm các ông Trần Độ, Hoàng Tường Minh, Huỳnh Cương, Phùng Văn Tửu và bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Quốc hội cũng tiến hành bầu Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Bộ trưởng, các Ủy ban của Quốc hội...

Quốc hội khóa VIII đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI và Đại hội Đảng lần thứ VII, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã ban hành 27 luật, bộ luật và luật sửa đổi; 39 pháp lệnh và nhiều văn bản quy định khác. Trong đó có nhiều luật, pháp lệnh quan trọng về kinh tế như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam... Đặc biệt Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Quốc hội khóa VIII cũng quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời có nhiều tiến bộ trong công tác giám sát.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Các khóa Quốc hội và vai trò lịch sử