Ngay sau khi Cách mạng thành công, trong nhiệm vụ trọng đại xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, Bác Hồ đã quan tâm đến phát triển công, thương nghiệp.
Bác Hồ thăm Nhà in Tiến Bộ năm 1959. Ảnh tư liệu
Ngày 13-10-1945, trên báo Cứu Quốc số 66, Người đã viết thư gửi giới công thương Việt Nam.
Trong thư, Người bày tỏ vui mừng vì: “Công - Thương đã đoàn kết lại thành "Công - Thương cứu quốc đoàn" và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh. Hiện nay "Công - Thương cứu quốc đoàn" đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt... Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Về mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước, Bác viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Trong nhiều bài nói, bài viết khác, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt là cán bộ và công nhân nữ... Giới công thương phải phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, tăng cường kỷ luật lao động, nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 20-2-1952 tại Việt Bắc, Bác nhắc nhở: “Phải làm thế nào để ổn định giá cả, và để đạt mục đích: Xuất nhiều hơn nhập”.
Bác còn căn dặn doanh nhân phải dân chủ, công khai, xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...
Bức thư của Bác viết chưa đầy 200 chữ nhưng có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân. 67 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có ý nghĩa thời sự đối với cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Bảo Châu(biên soạn)