Nguyên nhân là do lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng...
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang châu Âu ở tỉnh ta đang thiếu đơn hàng
Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp thì những tháng cuối năm nay và đầu năm 2012, các doanh nghiệp ký kết các đơn hàng mới sẽ khó khăn.
Khác với không khí sản xuất nhộn nhịp mọi năm, những ngày gần đây, xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu thuộc Công ty CP Xuất, nhập khẩu TMD (Gia Lộc) chỉ vẻn vẹn có hơn 20 công nhân làm việc. Hiện số đơn đặt hàng mà công ty có được trong năm 2011 đã hoàn thành, nhưng doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tìm đơn hàng mới. Ông Đàm Bá Lộc, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Các nước châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của công ty. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính cùng với tình trạng nợ công tại các nước này thời gian qua đã khiến người dân ở đây thắt chặt chi tiêu. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp này cũng giảm tới 40-50%. Nếu tình hình kinh tế tại châu Âu không nhanh chóng phục hồi, nguồn hàng xuất khẩu của đơn vị sang các nước này sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng tới doanh thu và việc làm cho người lao động”.
Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) hiện cũng đang phải giảm 10% số đơn hàng xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Mỹ và một số nước châu Âu. Ông Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc công ty cho biết: “Hiện nay, các nước châu Âu, nhất là ở thị trường Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của lũ lụt khiến thị trường tiêu thụ giảm sút, doanh nghiệp đối tác không còn cách nào khác là phải giãn đơn hàng hoặc không tiếp tục ký thêm hợp đồng với các doanh nghiệp”. Hiện doanh nghiệp có gần 500 công nhân, nếu thiếu đơn hàng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong năm 2012. Bên cạnh nỗi lo về thị trường, nhiều doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn do giá cả tiếp tục tăng, phần lớn doanh thu phải dành để nhập nguyên phụ liệu và chi phí đầu vào, trong khi lãi suất vay ngân hàng vẫn cao.
Châu Âu và châu Mỹ luôn là thị thường xuất khẩu quan trọng, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Mọi năm, đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp tỉnh ta đã ký kết các đơn hàng đến hết quý I-2012. Tuy nhiên, năm nay nhiều đối tác đã gửi thông báo giãn thời gian giao hàng. Ngoài việc phải đối diện với việc thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng... khiến chi phí cho một sản phẩm xuất khẩu tăng theo. Trong khi đó nhiều đơn hàng ký kết với các doanh nghiệp nước ngoài được thực hiện từ giữa năm 2010, doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá sản phẩm xuất khẩu, thậm chí với một số đơn hàng, doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ để "giữ mối". Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh ta chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, làm tăng chi phí đầu vào, càng khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mặt khác, lương công nhân chiếm tới 65% trong cơ cấu giá thành của sản phẩm gia công nên những đơn vị có số lượng lao động lớn đang phải gồng mình để lo đủ chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có nhiều lao động như: may, giày, lắp ráp linh kiện còn đang đứng trước khó khăn do biến động nguồn lao động. Đặc biệt, để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp dệt may buộc phải có chứng chỉ sạch và thân thiện với môi trường. Do đó, việc ký kết các đơn hàng mới cũng sẽ khó khăn hơn.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Thiếu đơn đặt hàng, sẽ khiến doanh thu giảm sút, việc làm cho người lao động không ổn định, các chế độ lương, thưởng cho công nhân dịp cuối năm gặp khó khăn. Đặc biệt, nếu trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng sẽ ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Để khắc phục những khó khăn trên, ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Các doanh nghiệp cần tăng cường đàm phán để mở rộng thị trường mới, nhất là thị trường châu Úc và châu Á. Tận dụng uy tín và mối làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp tại các thị trường truyền thống để tiếp tục ký kết hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm tới các biện pháp kỹ thuật mà các nước nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ta đang áp dụng. Ngoài ra, các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp như: giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao có giá trị xuất khẩu lớn.
HẢI MINH