Các điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm sẽ buộc cán bộ yếu kém tự bị đào thải

14/02/2023 09:19

Theo quy định mới, việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một kênh chủ yếu để đánh giá cán bộ, còn trước đây quy định này chỉ là kênh tham khảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Theo đó, quan điểm, nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm.

Quy định mới này hiện đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn trong dư luận.

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, các nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm trong quy định mới của Bộ Chính trị đã cụ thể và chặt chẽ hơn rất nhiều so với quy định cũ.

Qua đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đưa ra nhận định: "Với tư cách là Đại biểu Quốc hội và là Đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương nên tôi cũng tham gia vào việc bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm cả ở tỉnh và ở Trung ương.

Vì thế, khi quy định nói trên được ban hành chúng tôi cũng đã có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Từ đó, nhận thấy trong quy định mới của Bộ Chính trị có nhiều điểm rất nổi bật, đặc biệt là các quy định cũng đã cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc chặt chẽ trong quy định mới cụ thể là, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ phải đưa ra khỏi quy hoạch vào các chức vụ cao hơn, đồng thời cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc là cho từ chức.

Còn ở quy định cũ, với người có trên 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp thì cán bộ chỉ bị xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch vào các chức vụ cao hơn. Như vậy, với việc cho thôi giữ các chức vụ ở quy định mới thay vì chỉ không bố trí quy hoạch khi cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở quy định cũ thì rõ ràng quy định mới đã thể hiện sự chặt chẽ hơn rất nhiều.

Thậm chí, theo quy định mới, nếu cán bộ có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm hoặc bố trí công tác thấp hơn và bố trí ngay lập tức, không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trong việc lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm để đứng trong bộ máy cơ quan nhà nước. Đồng thời cho thấy, trong quy định mới thì việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một kênh chủ yếu để chúng ta đánh giá cán bộ, còn trước đây quy định này chỉ là kênh tham khảo để đánh giá cán bộ".

Ngoài ra, theo vị Đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Dương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, sự gương mẫu của người thân của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước cũng là điểm mới, tiến bộ mà Bộ Chính trị đã đưa ra.

"Trước đây, chúng ta chỉ xét đến bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm qua việc cán bộ đó có chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hay không. Tuy nhiên, trong quy định mới thì còn xét đến tiêu chí rộng hơn liên quan đến người thân trong gia đình cán bộ đó.

Đây là tiêu chuẩn khắt khe nhưng hợp lý vì thực tế đã từng có những vụ việc, cán bộ ấy chưa vi phạm nhưng người thân của cán bộ ấy đã vi phạm và làm ảnh hưởng đến uy tín của chính cán bộ đó", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.

Nêu lên đánh giá trong việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định mới, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: "Trong quy định mới đã có định lượng rất rõ ràng nên theo tôi nó sẽ khắc phục được những hạn chế trong quy định cũ.

Qua đó, tôi cũng tin tưởng rằng chúng ta sẽ tạo ra những đột phá trong việc đánh giá cán bộ. Điều quan trọng nhất là trong quy định mới, cùng với việc động viên, khuyến khích tinh thần của người được đánh giá nhưng cũng vừa mang tính cảnh báo, răn đe để cho những người trong đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ".

Theo Giáo dục Việt Nam

(0) Bình luận
Các điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm sẽ buộc cán bộ yếu kém tự bị đào thải