Mới đây tại Quảng Ninh, 10 tỉnh thuộc các nước khu vực Đông Á đã trao đổi kinh nghiệm và kế hoạch vực dậy ngành công nghiệp không khói, với quyết tâm Đông Á sẽ là trung tâm của kỷ nguyên du lịch mới.
Sau đại dịch Covid-19, tỉnh Tuv (Mông Cổ) tập trung phát triển các sản phẩm du lịch như: con đường tơ lụa, con đường trà, hướng tới Năm Du lịch Mông Cổ vào năm 2023 - 2024. Khi thị trường du lịch trọng điểm như Trung Quốc, Nga chưa mở cửa, Mông Cổ chuyển hướng khai thác khách quốc tế của các nước Đông Á và miễn visa đến hết 2024 cho khách du lịch Hàn Quốc.
Ông Munkhbaatar Demberel – Tỉnh trưởng tỉnh Tuv cho biết địa phương này sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh.; đây là sự kiện quan trọng để xây dựng những sản phẩm hấp dẫn chào đón du khách quay trở lại: “Chúng tôi đang thu hút đầu tư vào du lịch, có chính sách trung hạn phát triển du lịch, xây dựng nhiều dự án du lịch lớn. Hiện nay, Tuv có 26.000 buồng phòng khách sạn và các cơ sở lưu trú. Năm 2022 chúng tôi dự kiến đón 30.000 khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Tỉnh Tuv xây dựng và tổ chức các bữa tiệc cừu, du lịch mùa đông, mùa hè... để thu hút khách”.
Tỉnh Gangwon - điểm đến hàng đầu của du lịch Hàn Quốc cũng thay đổi các mô hình du lịch trong đó tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá du lịch trực tuyến qua điện thoại thông minh, internet. Tất cả đều nhận thức, xu hướng đi du lịch của du khách sau đại dịch đã thay đổi, hướng tới du lịch chất lượng mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến. Chính vì vậy, Gangwon đẩy mạnh khai thác những câu chuyện văn hóa địa phương tạo ấn tượng với du khách ngay từ những hình ảnh đầu tiên.
Ông Kim Jin-Tae, Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) cho biết sẽ tăng cường ngoại giao du lịch trong kỷ nguyên mới: "Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã lên kế hoạch tăng cường ngoại giao du lịch và ngoại giao kinh tế, dựa trên du lịch truyền thống khai thác những yếu tố văn hóa địa phương”.
Không chỉ có kế hoạch riêng, 10 tỉnh khu vực Đông Á cũng trao đổi kinh nghiệm và kế hoạch liên kết để vực dậy ngành công nghiệp không khói với quyết tâm Đông Á sẽ là trung tâm của kỷ nguyên du lịch mới. Điều này được thể hiện rõ khi 6 tỉnh có sân bay quốc tế là Gangwon (Hàn Quốc), Tuv (Mông Cổ), Siem Riep (Campuchia), Sarawak (Malaysia), Luang Phrabang (Lào) và Cebu (Philippines) thống nhất tập trung nghiên cứu mở đường bay thẳng đến Vân Đồn, Quảng Ninh và các tỉnh khác trong khu vực. Đặc biệt, ông Kim Jin-Tae đã có chuyến khảo sát thực tế tại sân bay Vân Đồn và đặt vấn đề mở đường bay kết nối Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh với sân bay quốc tế YangYang, Gangwon trong thời gian sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương sẽ đẩy mạnh việc kết nối thương mại quốc tế: "UBND tỉnh đã giao việc cụ thể cho các sở, ngành kết hợp với các hãng hàng không làm việc, xúc tiến các đường bay quốc tế, trước mắt là các chuyến bay charter để thực hiện nội dung này. Trực tiếp lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh sẽ công tác tại Hàn Quốc và với tiềm năng sẵn có của 2 địa phương, cùng sự nỗ lực của 2 tỉnh thì sẽ sớm có khách đưa từ Gangwon tới Vân Đồn và ngược lại".
Đông Á đang khôi phục du lịch chậm hơn so với nhiều khu vực trên thế giới. Các nước Đông Á cũng nhận rất rõ điều này và để đi xa hơn, nhanh hơn, tại Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 diễn ra tại Quảng Ninh, 10 nước trong diễn đàn đã nhất trí đổi tên từ “Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á” thành “Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á”. Đây là động thái tích cực mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa các tỉnh thành viên quan trọng là ngoài việc chia sẻ, các tỉnh thành viên sẽ trách nhiệm hơn, phối hợp thực chất và hiệu quả hơn.
Ông Choi Ki Yong, Tổng Thư ký EATOF cho biết: "Ở đây có tất cả các tỉnh trưởng của 10 nước thành viên - những người có thể quyết định nhiều việc liên quan tới việc kết nối, hợp tác, phát triển du lịch Đông Á. Chúng ta cùng kỳ vọng những đổi thay trong thời gian tới. Đặc biệt những cam kết của EATOF lần thứ 17 là một bước nâng tầm EATOF thành một liên minh quốc tế có tầm ảnh hưởng rộng, hướng tới hội nhập, phát huy tốt vị trí và vai trò như một liên minh du lịch toàn cầu đại diện cho khu vực Đông Á".
Sau đại dịch Covid-19, du lịch quốc tế đang dần mở cửa trở lại, có nghĩa là một kỷ nguyên du lịch mới đã bắt đầu và các nước Đông Á đang quyết tâm lấy lại vị thế, đóng vai trò quan trọng trong khôi phục du lịch khu vực, xứng tầm một liên minh du lịch quốc tế hàng đầu châu Á.
Theo VOV