Theo Bộ Tài Chính, tổng vốn giải ngân của các địa phương từ nguồn ngân sách trung ương trong 9 tháng chỉ đạt 11,5% dự toán và vốn cho địa phương vay lại là 7,8%.
Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giao đầu năm 2021 cho các địa phương là 63.700 tỷ đồng
Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi trong chín tháng của năm, Bộ Tài chính dự kiến việc thực hiện giải ngân đầu tư công từ nguồn nước ngoài của các địa phương trong cả năm 2021 chỉ đạt chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.
Thông tin trên được ông Hoàng Hải, Phó cục Trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ngày 7.10.
Tốc độ giải ngân vẫn ì ạch
Theo phê duyệt của Quốc Hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giao đầu năm 2021 cho các địa phương là 63.700 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.900 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.800 tỷ đồng.
Thống kê dữ liệu từ Bộ Tài chính, sau 9 tháng của năm, tổng vốn giải ngân từ nguồn ngân sách Trung ương đạt 11,5% dự toán, vốn cho địa phương vay lại là 7,8% dự toán.
Ông Hải nhấn mạnh tốc độ giải ngân trên là rất chậm. Đây là mức giải ngân rất thấp so với cùng kỳ (năm 2020, giải ngân vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương đạt 29% dự toán, vốn vay lại đạt 32,9% dự toán.)
Ông Hải chỉ ra một số vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm. Cụ thể, đại dịch COVID-19 đã tác động đến các dự án sử dụng vốn nước ngoài rất nặng nề, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát cũng như việc thời gian nhận được ý kiến “không phản đối” của các nhà tài trợ bị kéo dài.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết một số nguyên nhân chủ quan khác, như việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay.
“Theo quy định hiện nay, chỉ khi hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thì mới có thể điều chỉnh hiệp định vay (nếu có). Điều này dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh,” ông Hải nói.
Ngoài ra, nguyên nhân khác thuộc về công tác giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, trong đó phải kể đến việc địa phương giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký. Thậm chí, một số địa phương còn chậm hoặc chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn.
Về giai đoạn hoàn tất thủ tục giải ngân, ông Hải cho biết nhiều địa phương lại chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn hoặc hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại. Nguyên nhân này được phản ánh tại 42/302 dự án đang giải ngân.
“Trong chín tháng, Bộ Tài chính đã phải trả lại 42/1.254 hồ sơ đề nghị rút vốn, bằng 3,35% tổng hồ sơ rút vốn nhận được do không đủ điều kiện giải ngân. Ngoài ra, một số chủ dự án lại tập trung vào giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được phép kéo dài/chuyển nguồn”, ông Hải cho hay.
Giao vốn phải gắn với nhu cầu thực tế
Trước tình hình đó, ông Hải cho biết Bộ Tài chính đã triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16.8.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại; trong đó đã có quy định tháo gỡ về trị giá tài sản thế chấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập vay lại và giảm tỷ lệ vay lại của một số địa phương khó khăn về cân đối ngân sách.
Thi công xây dựng bờ kè sông Kinh Nhánh trên địa bàn thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng cam kết kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) chỉ duy nhất 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Song song đó, bộ đã triển khai thí điểm áp dụng từ tháng Bảy và chính thức từ tháng 9 cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các sở tài chính địa phương. Điều này nhằm đảm bảo cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương, từ đó hỗ trợ các địa phương chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị cần có cơ chế đơn giản hóa hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cần có cơ chế bố trí kế hoạch phù hợp với đặc thù giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi, đưa vào Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có điều chỉnh mạnh mẽ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao và điều chỉnh kế hoạch vốn theo hướng gắn chặt với nhu cầu đăng ký thực tế của địa phương cũng như gắn kế hoạch vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương với dự toán cho vay lại từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của các địa phương để đảm bảo giải ngân theo tỷ lệ, đúng quy định của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP”, ông Hải kiến nghị.
Ông Hải cho rằng các địa phương chưa có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 cần tiếp tục rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, lãnh đạo các địa phương chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp cần giảm dự toán được giao.
“Các địa phương cần ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn cũng như tăng cường năng lực tổ chức thực hiện của các ban quản lý dự án”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo TTXVN