Cuộc thi hoa hậu ngày nay thực chất là thương vụ làm ăn bạc tỷ của đơn vị tổ chức và các nhãn hàng tài trợ.
Câu chuyện Nguyễn Thúc Thùy Tiên được tiết lộ "bỏ túi" 100 triệu Baht (khoảng gần 70 tỷ đồng) chỉ sau 3 tháng đăng quang Miss Grand International làm dấy lên nhiều thắc mắc về cách kiếm tiền của một hoa hậu, mở rộng ra là cả cuộc thi nhan sắc.
Tờ Yahoo nhận định đấu trường hoa hậu khốc liệt như thể "tái hiện trận chiến của những cô gái khát khao vương miện". Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, đây còn là thương trường của những ông chủ, nhà tổ chức trước thương vụ bạc tỷ siêu lợi nhuận.
Nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, nhãn hàng
La Tử Lâm, Á hậu 4 Miss Universe 2011, từng chia sẻ trong chương trình giao lưu với sinh viên CEIBS rằng Miss Universe hay bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào khác đều kiếm tiền từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, nhãn hàng.
Theo Business Insider, khoản tài trợ không được công bố, nhưng thường từ vài trăm nghìn USD đến vài triệu, chục triệu USD - tương ứng với các vị trí tài trợ kim cương, vàng, bạc, đồng. Ngoài ra còn danh sách nhà tài trợ vừa và nhỏ bằng hiện kim hoặc hiện vật.
Lấy dẫn chứng, Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 69 thu hút 12 nhà tài trợ lớn, bao gồm thương hiệu thời trang Sherri Hill - tài trợ trang phục, công ty trang sức Mouawad - tài trợ vương miện, khách sạn The Guitar - nơi diễn ra cuộc thi... cùng các công ty công nghệ, đồ bơi, sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, lượng đơn vị tài trợ của Miss Grand International 2016 lên đến 30.
Sâu khấu sang trọng của chung kết Miss Universe lần thứ 69. Ảnh: Missosology |
Trong bài viết Cuộc thi hoa hậu như chiến lược kinh doanh có lãi, cây bút của Philstar thống kê một số cuộc thi "chai mặt" đến mức kêu gọi tất tần tật, từ vương miện, cúp thủy tinh, hoa cho đến giải thưởng tiền mặt. Việc này vô tình biến sân chơi nhan sắc thành chương trình quảng cáo trá hình.
Suốt thời gian tham gia cuộc thi, thí sinh có nhiệm vụ chụp ảnh, quay video PR cho sản phẩm của nhà tài trợ. Ở đa số đấu trường, đây đồng thời là hoạt động ghi điểm quá trình của thí sinh.
Khác hẳn vài cuộc thi phát sóng trên YouTube hoặc nền tảng livestream, mạng xã hội, Miss Universe - một trong hai cuộc thi danh giá nhất - kiếm lợi nhuận từ việc bán nội dung độc quyền cho kênh truyền hình Fox. Khán giả phải chi vài USD để có suất xem đêm chung kết.
Không chỉ vậy, hệ thống bình chọn của Miss Universe đã tính phí nhiều năm qua. Người yêu sắc đẹp chắc chắn còn nhớ H'Hen Niê đã bỏ ra số tiền 20 triệu đồng để giúp Khánh Vân có thêm 10.000 vote, Minh Tú đóng góp 1.000 vote. Kết quả, chẳng những giành suất vào top 21, Khánh Vân còn trở thành thí sinh Miss Universe có lượt vote cao nhất lịch sử.
Báo cáo của New Yorker tiết lộ ngân sách tổ chức cuộc thi trong Big 6 phải từ 10 triệu USD trở lên, ước tính mùa giải Miss Universe ở Việt Nam và Nga (2013) lên đến 20 triệu USD.
Rappler trích lời Chavit Singson của LCS và các nhà tài trợ Miss Universe, ban tổ chức đã chi 15 triệu USD cho cuộc thi tại Manila, Philippines vào năm 2017. Còn với năm 2014, 2,9 triệu USD chỉ để sử dụng vào các khoản chỗ ở, thực phẩm, đồ uống, mua sắm và đi lại cho thí sinh.
Ồn ào các khoản thu từ hậu trường
Có một sự thật rằng tất cả cuộc thi hoa hậu đều dính lùm xùm mua giải, "đi cửa sau". Cứ gần đến đêm chung kết, những bài báo, lời đấu tố cô A ngủ với ban tổ chức, thí sinh B chi hàng triệu USD để ẵm vương miện... xuất hiện nhan nhản trên phương tiện truyền thông.
Nhưng sự thật chỉ có người trong cuộc mới biết.
Năm 2012, phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck - Chủ tịch Miss Earth, về chuyện mua giải, và cái giá bà đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.
Hơn 90% thành viên của Global Beauties chung nhận định Miss Earth đã không còn đáng tin cậy. Sau những bê bối, cuộc thi khởi nguồn từ Philippines bị chuyên trang sắc đẹp loại khỏi hệ thống Miss Grand Slam (các cuộc thi nhan sắc được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp và có ảnh hưởng lớn).
Philippines là đất nước cuồng hoa hậu bậc nhất thế giới. Không chỉ phụ nữ mà kể cả đàn ông cũng xem cuộc thi hoa hậu, nam vương như cơ hội đổi đời. Đó là lý do các lò đào tạo nhan sắc mọc lên như nấm.
Karen Ibasco - Miss Earth 2017 - bị "ném đá" tơi tả nhất về nhan sắc. Cô vướng tin đồn mua giải năm đó. Ảnh: Getty |
Chia sẻ trong chương trình Undercover Asia, Janina San Miguel - người đẹp từ chối đại diện Philippines ở Miss World 2008 - chia sẻ rằng bản thân bị khủng hoảng trên hành trình đương nhiệm.
Có nhân vật trong đơn vị tài trợ của một số cuộc thi đã đề nghị qua đêm cùng cô với mức giá 3 triệu peso (hơn 75.000 USD), hoặc 25 triệu peso (477.000 USD) để làm bạn gái, yêu đương lâu dài với họ.
"Đây là mặt tối nhơ bẩn của các thi hoa hậu. Nhiều cô gái bất chấp giá trị đạo đức để nhắm mắt, đưa chân vào con đường này. Tôi thì không", San Miguel nhấn mạnh.
Nghi vấn mua bán giải, đổi tình lấy danh hiệu cũng từng râm ran trong hậu trường cuộc thi Miss Costa Rica 2020.
Ngày 18.11.2020, Ivonne Cerdas đăng quang ngôi vị cao nhất trong sự phản đối kịch liệt của rất nhiều thí sinh lẫn khán giả cuộc thi. Nicole Carboni Renault - cựu Á hậu Miss Costa Rica - liên tục đăng đàn tố cáo cuộc thi giả dối, dùng tiền đổi giải thưởng.
Người đẹp sinh năm 1991 khẳng định rằng Ivonne đã ngủ với “sugar daddy", thông đồng với ban tổ chức mua bán giải xong xuôi.
Thời hoàng kim của Hoa hậu Hong Kong đã khép lại sau nhiều scandal. Hồi năm 2019, Á hậu 2 Bội Linh bị nghi nhờ gia thế siêu giàu mà cô mới vào đến top 3. Từ đầu cuộc thi, Bội Linh vốn không được khen nhan sắc lẫn trí tuệ.
Ở động thái khác, Chinapress dẫn lời khán giả cho biết có sự bất thường khi lượng phiếu bầu của cô bỗng dưng tăng đột biến trong đêm chung kết. Do thế, họ nghi ngờ Á hậu 20 tuổi nhờ cha của mình - một đại gia quyền lực ở Hong Kong bỏ tiền ra để tác động đến số lượng phiếu bình chọn.
Được lợi gì từ danh xưng hoa hậu?
Theo Life Style, phần thưởng của Hoa hậu Hoàn vũ 2021 Harnaaz Sandhu gồm 250.000 USD tiền mặt, một năm đội chiếc vương miện đắt nhất lịch sử Miss Universe. Vương miện 5 triệu USD làm bằng vàng 18 carat, được đính 1.725 viên kim cương trắng xung quanh và viên kim cương hoàng yến 62,83 carat ở chính giữa là điểm nhấn.
Đó là chưa kể gói quà tặng vài trăm nghìn USD/năm từ các thương hiệu trang sức, mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện thời trang và giày thể thao. Cô còn được hưởng dịch vụ chăm sóc làn da, đầu tóc, móng tay... miễn phí.
Hoa hậu Hoàn vũ sống trong căn hộ tại trung tâm thành phố Manhattan, New York, đối diện công viên Central Park, được cấp chiếc xe hơi có tài xế riêng và được chi trả tất cả khoản phí khác trong vòng một năm.
Tương tự, người chiến thắng Hoa hậu Thế giới nhận tiền thưởng, lương sinh hoạt trong 365 ngày, được miễn phí du lịch khắp nơi, tận hưởng các dịch vụ tốt nhất ở khách sạn 5 sao cùng một số đặc quyền giá trị khác.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên kiếm 70 tỷ đồng sau 3 tháng đăng quang Miss Grand International. Ảnh: @tienng12 |
Sau khi lên ngôi Miss Grand International 2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên nhận giải thưởng 40.000 USD tiền mặt. Cô tiết lộ sẽ dùng số tiền này cho mục đích từ thiện.
Song, nói đi cũng phải nói lại, việc lên ngôi của người đẹp đồng nghĩa rằng thương vụ làm ăn khác sẽ được mở ra, lần này giữa hoa hậu - đơn vị tổ chức.
Theo Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat Itsaragrisil, Thùy Tiên kiếm về hơn 70 tỷ cho tổ chức sau 3 tháng nhờ loạt hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, độ phủ sóng trong nhiều chương trình và sự kiện.
Dễ dàng nhận thấy hoa hậu sinh năm 1998 xuất hiện dày đặc trong TVC quảng cáo của sàn thương mại điện tử, đồ công nghệ, thực phẩm, sản phẩm làm đẹp... Trên dưới 20 thương hiệu đã hợp tác với Thùy Tiên thời gian qua.
Tỷ lệ chia chác giữa cô và tổ chức Miss Grand không được công bố, tùy vào hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên. Đây cũng là công thức làm ăn chung của các tổ chức hoa hậu khác trên thế giới như Miss Supranational, Miss Earth, Miss USA...
Có thể khẳng định danh hiệu hoa hậu là bệ phóng giúp các cô gái tiến xa trong sự nghiệp. Tuy nhiên, may mắn chỉ mỉm cười với cô gái duy nhất hội tụ đủ yếu tố mà giám khảo tìm kiếm.
Theo Zing