Apple đang hứng hậu quả từ mặt trái của căng thẳng khi người biểu tình Mỹ lợi dụng bạo loạn để “hôi của”.
Mỹ đang sục sôi vì các cuộc biểu tình ở ít nhất 30 thành phố tại đây. Bên cạnh các cuộc biểu tình ôn hòa, đã xuất hiện nhiều hình huống bạo lực.
Những người biểu tình hô vang câu "Tôi không thở được", lặp lại những lời cuối của người đàn ông da màu không vũ trang George Floyed vừa qua đời sau khi bị cảnh sát Mỹ dùng đầu gối ghì cổ xuống đường ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.
Câu chuyện kích động tâm lý chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Nhiều người nổi tiếng đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho cuộc biểu tình này. Hôm 29.5, giám đốc điều hành Tim Cook của Apple cũng viết lên Twitter như sau:
"Minneapolis đang đau buồn vì một lý do. Để tôi dẫn lại ý của tiến sĩ King, hòa bình tiêu cực khi thiếu vắng căng thẳng không phải là sự thay thế cho hòa bình tích cực, vốn là sự hiện diện của công lý. Công lý là cách chúng ta hòa giải".
Ông Cook đã lặp lại ý của Martin Luther King, một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi bật nhất lịch sử nước Mỹ, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1964.
Theo lập luận trên, hòa bình không đồng nghĩa với sự im lặng tuyệt đối. Việc chấm dứt bạo loạn hay biểu tình có thể mang lại một trạng thái "hòa bình", nhưng đó là "hòa bình tiêu cực" (negative peace) vì nó đơn giản chỉ dừng tranh chấp, trong khi vấn đề còn đó.
Ngược lại, "hòa bình tích cực" là hòa bình đạt được thông qua việc giải quyết được các "xung đột mang tính xây dựng". Vì lẽ đó trạng thái "hòa bình tích cực" mới có thể giúp khôi phục thực sự các mối quan hệ. Đó có thể coi là tính ưu việt của một hòa bình thông qua đấu tranh.
Nhưng triết lý của Cook không phản ánh những gì đang diễn ra tại cửa hàng Apple trên đường Hennepin ở Minneapolis.
Cửa hàng này đã bị cướp xông vào vơ vét trong bối cảnh toàn thành phố biểu tình vì cái chết của Floyd. Theo Business Insider, vụ cướp xảy ra vào khoảng 8 giờ tối 29.5 theo giờ địa phương.
Trước đó trong tuần, cướp cũng đã xông vào nơi này, đập vỡ cửa kính trước lúc rời đi.
Ngoài Minneapolis, một cửa hàng Apple khác trong thời gian này cũng bị cướp ở Portland, bang Oregon.
Kênh KATU News, chi nhánh của Đài ABC, hôm 30-5 cũng đưa tin về các vụ "hôi của" nêu trên. Phóng viên kênh này cho biết nhìn thấy có người "vặt" điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad ở Portland. Ngoài ra, các ngân hàng và trung tâm thương mại cũng bị đập phá.
Theo Tuổi trẻ