Trong điều trị người bệnh COVID-19 thì sử dụng khí oxy để hỗ trợ hô hấp có thể được coi là phần việc quan trọng nhất. Dưới dây là một số cách hỗ trợ thở oxy để điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Vì virus tấn công vào các phế nang, làm các phế nang phù nề, tăng tiết dịch, lòng các phế nang và các phế quản nhỏ bị dịch tiết lấp đầy… nên không khí hít vào không trao đổi được oxy với máu. Hình ảnh phim X-quang chụp phổi nhẹ thì có hình kính mờ, nặng thì phổi đông đặc trắng xóa, dẫn đến người bệnh vẫn há mồm thở gấp mà khí oxy không vào máu, oxy máu vẫn hạ
Thở oxy qua canula mũi: Một dây nhựa mềm cung cấp oxy qua 2 ống nhỏ vào hai lỗ mũi, dây vắt qua tai trông như đang đeo kính nên còn gọi là “oxy gọng kính” hay ngắn hơn là ‘oxy kính”. Lượng oxy cung cấp có thể lên tới 6 lít/ph, đạt nồng độ oxy trong khí thở vào lên tối đa 40% (nồng độ oxy tự nhiên của không khí đã là 21%). Lượng oxy trước khi tới mũi bệnh nhân cần qua bình nước làm ẩm để không làm khô niêm mạc mũi, gây kích ứng cho người bệnh. Thở oxy qua mũi rất dễ làm, có thể thực hiện ngay tại nhà, giúp cho người bệnh mức độ nhẹ.
Thở oxy qua mặt nạ (mask): Dòng oxy tốc độ cao sẽ vào một mặt nạ bằng nhựa dẻo sẽ úp vào mặt bệnh nhân, có mặt nạ có túi dự trữ kèm. Cách này giúp cho bệnh nhân thở oxy có hiệu quả hơn và lưu lượng oxy cao hơn, dòng oxy có thể lên đến 15 lít/phút, nồng độ oxy trong khí hít vào có thể lên tới 65%. Thích hợp cho người khó thở nhiều trong lúc tìm cách hỗ trợ khác cao hơn.
Thở oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula): Phương pháp này mới phổ biến gần đây. Dòng oxy được máy hòa trộn rồi cung cấp qua ống dẫn đường kính lớn đến mũi với tốc độ rất cao, có thể lên tới 60 lít/phút, nồng độ oxy có thể tới 100%. Dòng khí oxy lưu lượng cao này làm tăng nồng độ oxy máu nhanh, tăng áp suất trong phế nang kể cả khi thở ra, mở nhiều phế nang tham gia hô hấp, chống xẹp phổi. Tác dụng của thở oxy dòng cao rất tốt, giúp cho nhiều bệnh nhân cải thiện hô hấp và không phải đặt nội khí quản thở máy xâm nhập.
Thở máy không xâm nhập CPAP và BIPAP: Các phương pháp ở trên chỉ cung cấp nồng độ oxy cao trong khí thở vào, còn việc thở vẫn phải do người bệnh chủ động hít vào. Khi khó thở nặng, cần dùng máy thở, tạo áp lực dương giúp người bệnh hít vào, giảm công hô hấp. Máy thở đơn giản nhất là máy loại không xâm nhập, tạo áp lực dương ở mask úp vào mũi miệng bệnh nhân. Tuy nhiên trong dịch COVID-19 này, máy thở không xâm nhập không được khuyến cáo dùng nhiều, mà thường là thở oxy dòng cao nếu không hiệu quả thì chuyển sang thở máy xâm nhập.
Thở máy xâm nhập: Gọi là xâm nhập vì dòng khí bơm vào phổi cần qua ống nội khí quản hoặc ống mở khí quản, tức là phải làm các thủ thuật xâm nhập vào người bệnh. Vì vậy loại máy này chỉ sử dụng trong bệnh viện và nhân viên cần được đào tạo kỹ. Các bác sĩ hồi sức cấp cứu được đào tạo về máy thở sẽ chọn loại kiểu thở (mode), tần số thở (f), lượng khí mỗi lần thở vào (Vt), tỷ lệ thời gian giữa thở vào và thở ra (I/E), nồng độ oxy trong dòng khí thở vào (FiO2)…
Sau khi cho thở 30 phút bác sĩ sẽ thử lại nồng độ khí trong máu động mạch để điều chỉnh lại các thông số. Trong quá trình thở máy luôn có mặt điều dưỡng và bác sĩ trực để xử trí các sự cố máy thở, nhiều lúc máy có sự cố mà không kịp xử trí thì người bệnh có thể chết trong vài phút.
Truyền thông hay nói người dân đổ xô đi mua máy thở là có sự nhầm lẫn, bởi máy thở thực thụ thì chỉ bác sĩ chuyên ngành mới sử dụng được.
ECMO: Đây là tình huống xấu nhất, phổi đã tổn thương đông đặc hoàn toàn, thở máy xâm nhập cũng không có tác dụng, do vậy phải dùng tới biện pháp cuối cùng là tim phổi nhân tạo. Máu của người bệnh sẽ dẫn ra ngoài và được trao đổi oxy trong máy rồi bơm trở lại người. Nhưng máy này hiện nay có rất ít và hy vọng không có trường hợp phải dùng tới biện pháp cuối cùng này.
Theo Sức khỏe & Đời sống