Bệnh tai xanh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh.
Lợn bị bệnh thải vi-rút qua phân, nước tiểu, nước bọt, dịch mũi, sữa, tinh dịch.
Do đó, dịch bệnh có thể lây lan qua các con đường sau: lây qua tiếp xúc với lợn bệnh, lây qua không khí có vi-rút, lây qua tinh dịch của lợn có bệnh, lây khi nhập giống lợn có bệnh, lây qua vật trung gian (xe vận chuyển lợn mang bệnh, dụng cụ chăn nuôi ở khu vực có dịch, chuột, người đi từ vùng có dịch đến...). Bệnh tai xanh không trực tiếp gây chết lợn mà chỉ làm suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho các bệnh khác phát triển (gọi là bệnh kế phát). Một số bệnh kế phát thường gặp là: tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn, viêm phổi dính sườn, tả…
Sau đây là một số phương pháp điều trị tương đối hiệu quả các chứng bệnh kế phát:
- Điều trị hạ sốt, trợ hô hấp: dùng Gluco K C NAMIN, Anagil C, Bromhexine.
- Trợ sức, trợ lực: Dùng Gluco, Vitamin C, điện giải hoặc Gluco K C NAMIN, Catosal.
- Chống nhiễm trùng kế phát: Dùng Amoxycillin LA, Flomax.
Điều quan trọng hơn cả, bà con chăn nuôi nên tham khảo các bước sau nhằm góp phần phòng dịch tai xanh:
Bước 1: Tiêm phòng bệnh. Tiêm vắc-xin phòng tai xanh. Hiện nay, đã có 3 loại vắc-xin phòng bệnh là: Porcilis PRRS của Intervet (Hà Lan); BSL.PS 100 của Besta (Singapore); Amervac PRRS của Hipra (Tây Ban Nha).
- Tiêm vắc-xin phòng các bệnh kế phát: Dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, phó thương hàn... đầy đủ và đúng cách.
Bước 2: Tăng cường vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi, phun thuốc sát trùng đúng định kỳ, bình thường phun 1 lần/tuần, khi có dịch phun 2 lần/tuần.
Bước 3: Nâng cao sức đề kháng bằng cách cho lợn ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung Vitamin E, C, B.
(Theo Sở Khoa học và Công nghệ)