Các bước đi cụ thể hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông

13/07/2014 08:55

Tại cuộc Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông tổ chức tại Mỹ, các đại biểu đã đề xuất hàng loạt bước đi cụ thể để giải quyết tình hình.



Các đại biểu tham dự hội thảo đề nghị các bên tranh chấp trên Biển Đông phải giữ nguyên trạng
trước khi tiến hành đàm phán giải quyết căng thẳng


Các bên tranh chấp không thiết lập căn cứ quân sự mới

Sáng 12-7 (giờ Việt Nam), Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Thủ đô Washington (Oa-sinh-tơn, Mỹ) tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ hai với 2 chủ đề thảo luận về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc hợp tác, xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp. Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Michael Fuchs đã phát biểu đề dẫn Hội thảo và đưa ra đề xuất của Mỹ về các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông.

Ông Fuchs cho biết, Trung Quốc và ASEAN đã cam kết trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) là tránh các hoạt động "làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định". Tuy nhiên theo ông Fuchs, các phát biểu từ các quốc gia đòi hỏi chủ quyền cho thấy không có sự đồng thuận hay định nghĩa về loại hành động nào được coi là “làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”. Các biến cố gần đây cho thấy nhu cầu các bên đòi hỏi chủ quyền phải minh bạch về hoạt động của mình trong các vùng tranh chấp và đạt được một nhận thức chung về hành vi nào là phù hợp tại các khu vực tranh chấp này. Đây là lý do Mỹ đang hối thúc Trung Quốc và ASEAN tiến hành “thảo luận thực sự” nhằm bổ sung các yếu tố kêu gọi việc “tự kiềm chế” vào DOC.

Vị quan chức ngoại giao này cho biết, Mỹ đã kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền cần làm rõ và đồng ý tự nguyện dừng các hoạt động và hành vi nhất định gây leo thang tranh chấp và bất ổn khu vực, như đã được chỉ ra trong DOC. Theo ông Fuchs, các cam kết này sẽ giúp giảm căng thẳng và mở ra không gian cho các giải pháp hòa bình, đồng thời là một biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều vấn đề khó khăn hơn liên quan đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được xử lý. Ông Fuchs cho rằng, bước đi dễ dàng đầu tiên đã được thể hiện trong DOC là các bên tranh chấp tái cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự mới. Quan trọng hơn, các bên tranh chấp có thể cam kết không chiếm đóng các thực thể địa chất mà bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ kể từ trước thời điểm DOC được ký kết tháng 11-2002.

Liên quan đến việc xây dựng và cải tạo đất, các bên yêu sách có thể làm rõ những loại thay đổi nào là “khiêu khích” và loại nào chỉ đơn thuần là các nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện từ lâu, phù hợp với nguyên trạng năm 2002. Ví dụ, sự thay đổi mà về cơ bản làm khác bản chất, kích thước hay năng lực của sự hiện diện có thể sẽ không được chấp nhận. Trái lại, các hoạt động bảo trì thường xuyên sẽ được cho phép. Yếu tố cuối cùng của việc dừng các hoạt động và hành vi gây leo thang tranh chấp và bất ổn khu vực là các bên tranh chấp có thể nhất trí không sử dụng các biện pháp đơn phương chống lại các hoạt động kinh tế từ lâu của các bên tranh chấp khác đã và đang diễn ra tại khu vực tranh chấp. Ông Fuchs hy vọng sẽ có tiến bộ thực sự về những nỗ lực khu vực nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trong tháng Diễn đàn khu vực ASEAN tới.

Băng rôn “lạ” trên tàu Trung Quốc

Ngày 11 và sáng 12-7, biên đội tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam nhiều lần tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 để tiến hành đấu tranh tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Khi cách giàn khoan 10 hải lý thì 8 tàu hải cảnh và tàu kéo Trung Quốc đã lao ra ngăn cản, uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Vẫn là nhóm tàu hộ tống nằm trong đội hình tàu Trung Quốc hoạt động ở hướng này như hải cảnh 2506, 3383, 44101, 33102, 45101, 21101, 2 tàu kéo mang số hiệu 263 và Hai Shan tăng cường vây ép lực lượng tàu của ta.

Một điều đáng chú ý là trên các tàu hải cảnh loại lớn của Trung Quốc đang đeo bám, uy hiếp các tàu của ta ở cự ly rất gần như 2506, 3383 đều treo băng rôn. Trên tàu hải cảnh 2506 của Trung Quốc mang dòng chữ “Trung Quốc Việt Nam hữu nghị chung sống hòa bình với nhau”. Câu khẩu hiệu này hoàn toàn trái ngược với những gì mà họ đang thể hiện trên vùng biển của Việt Nam nơi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Và phải chăng, đây là một sự ngụy biện cho những hành động nguy hiểm để đánh lừa dư luận nhằm che đậy ý đồ của họ. Đây là một động thái mới của phía Trung Quốc đang được đem ra sử dụng trên khu vực mà họ ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ không thể chối cãi của Việt Nam.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các bước đi cụ thể hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông