Các cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm sẽ được giáo hội và hoàng gia Anh sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Charles III.
Lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra ngày 6.5 tại Tu viện Westminster ở thủ đô London.
Buổi lễ là sự kiện mang tính biểu tượng trọng đại, khi hoàng gia và nhà nước Anh cùng suy tôn một bậc quân chủ mới làm lãnh đạo của họ, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực của hoàng gia.
Với nhiều người Anh, sự kiện ngày 6/5 sẽ là lễ đăng quang đầu tiên, và có thể là duy nhất, họ được chứng kiến trong đời. Những báu vật vô giá của hoàng gia Anh, vốn được bảo quản cẩn mật tại Tháp London, sẽ được ra mắt công chúng.
Xe ngựa hoàng gia
Lễ đăng quang bắt đầu bằng chuyến hành trình của Vua Charles và Hoàng hậu Camilla từ Cung điện Buckingham tới Tu viện Westminster. Nhà vua sẽ sử dụng xe ngựa Diamond Jubilee kéo bởi 6 con ngựa xám Windsor. Cỗ xe được đóng tại Australia năm 2010 và chuyển giao cho hoàng gia Anh năm 2014.
Tuy nhiên, sau khi lễ đăng quang kết thúc, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ trở về Cung điện Buckingham trên xe ngựa Gold State. Cỗ xe sản xuất năm 1762, đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ thời Vua William IV năm 1831. Cỗ xe Gold State dài 7 m, cao 3,6 m, nặng 4 tấn, với nhiều chi tiết làm bằng vàng ròng.
Xe ngựa Gold State có từ năm 1762
"Có rất ít hoàng gia còn giữ được xe ngựa với tuổi đời như thế này. Bởi vậy, đây là bảo vật rất đáng xem", hoàng gia Anh cho biết.
Lễ đăng quang dự kiến bắt đầu lúc 11 giờ (theo giờ địa phương) và kéo dài trong khoảng 2 giờ. Lãnh đạo các tôn giáo lớn ở Anh như Phật giáo, Hindu giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Sikh giáo sẽ dẫn đầu đoàn khách mời đi vào Tu viện Westminster. Tiếp sau là đại diện các vùng lãnh thổ coi Vua Charles là nguyên thủ.
Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ được tháp tùng bởi 4 người hầu cận trong suốt lễ đăng quang, trong số này có Hoàng tử George, 3 cháu trai của Hoàng hậu Camilla là Gus, Louis Lopes và Freddy Parker Bowles.
Tổng giám mục Justin Welby của giáo phận Canterbury, người chủ trì lễ đăng quang, nói sự kiện sẽ tuân theo các truyền thống nhưng cũng bao gồm "những yếu tố mới nhằm phản ánh sự đa dạng trong xã hội hiện đại" của nước Anh.
Trong khi hoàng gia và giáo hội Anh giáo cố gắng đan cài những yếu tố của hiện đại, những cấu phần cốt lõi của nghi lễ đăng quang truyền thống vẫn được giữ nguyên, bao gồm nghi thức công nhận, tuyên thệ, xức dầu, tấn phong, trao vương miện, đăng quang, nhận lời thề trung thành.
Những cổ vật vô giá
Nghi thức đầu tiên của buổi lễ là "công nhận". Vua Charles sẽ đứng trên một lễ đài đặc biệt tại Tu viện Westminster, ra mắt tất cả khách mời tại tu viện cũng như toàn thể người dân Anh.
Nhà vua sau đó sẽ nhận kinh thánh và đọc lời thề đăng quang, nghi thức do Tổng giám mục Welby điều hành. Nhà vua sẽ tuyên thệ cai trị bằng luật pháp, thực thi công lý với lòng nhân từ.
Sau khi kết thúc tuyên thệ, nhà vua sẽ được xức dầu. Trong nghi lễ này, Tổng giám mục Welby đổ dầu thánh từ Ampulla, bình đựng dầu có hình đại bàng, vào Thìa Đăng quang được mạ bạc. Dầu thánh sau đó được đổ lên đầu của Vua Charles.
Bình Ampulla và Thìa Đăng quang
Thìa Đăng quang được sản xuất từ thế kỷ XII và là cổ vật lâu đời nhất được sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Charles. Tuy nhiên, bình Ampulla nguyên bản nhiều khả năng đã bị nấu chảy trong quá khứ. Năm 1661, một chiếc bình mới được tạo ra phục vụ lễ đăng quang của Vua Charles II.
Sau lễ xức dầu thánh sẽ là lễ tấn phong. Vua Charles sẽ mặc lễ phục bằng vàng và được trao các thánh tích hoàng gia, trong số này có Kiếm Ngọc. Thanh kiếm được chế tạo năm 1820, lần đầu được sử dụng trong lễ đăng quang của Vua George IV.
Kiếm Ngọc có lưỡi bằng thép, chuôi kiếm bằng vàng khảm các loại đá quý như ngọc lục bảo, hồng ngọc, ngọc bích và kim cương. Các loại đá quý cùng nhau tạo ra các họa tiết khác nhau như hoa hồng, lá sồi, quả sồi, đầu sư tử. Thanh kiếm tượng trưng cho tinh thần nghĩa hiệp, được Tổng giám mục Welby ban phước trước khi dâng lên nhà vua.
Kiếm Ngọc của hoàng gia Anh
Một cổ vật hoàng gia khác sẽ xuất hiện là Ngọc Đế vương. Viên ngọc đã xuất hiện trong mọi lễ đăng quang kể từ 1661, là biểu tượng cho quyền lực của hoàng gia và thế giới Công giáo.
Ngọc Đế vương được làm từ hai miếng vàng hình cầu rỗng gắn vào nhau bằng dải trang sức cầu kỳ với nhiều loại đá quý. Viên ngọc được chia thành 3 phần, đại diện cho 3 lục địa đã được khám phá vào thời trung cổ.
Ngọc Đế vương của hoàng gia Anh
Ngọc Đế vương được nạm 365 viên kim cương, 18 viên hồng ngọc, 9 viên ngọc lục bảo và 9 viên ngọc bích. Phần giá trị nhất của Ngọc Đế vương là viên đá thạch anh tím đậm ở đỉnh của dải trang sức.
Trong lễ đăng quang, Vua Charles sẽ được trao Vương trượng Quân chủ Chữ thập. Vương trượng này là biểu tượng của quyền lực và sự cai trị anh minh. So với thiết kế ban đầu, vương trượng đã trải qua nhiều lần sửa đổi, trong đó đáng chú ý nhất là khi nó được gắn thêm viên kim cương Cullinan I năm 1911. Viên kim cương có biệt danh "Ngôi sao vĩ đại của châu Phi", được khai thác từ Nam Phi và chuyển giao cho hoàng gia Anh năm 1905.
Đỉnh cao của toàn bộ lễ đăng quang là nghi thức trao vương miện. Hoàng gia Anh sở hữu 13 vương miện, nhưng chiếc vương miện tôn kính nhất là vương miện Thánh Edward. Vua Charles sẽ chỉ được đeo chiếc vương miện này một lần duy nhất vào lễ đăng quang của mình.
Vương miện Thánh Edward được làm cho lễ đăng quang của Vua Charles II năm 1661. Trên đỉnh của vương miện là một viên ngọc và cây thánh giá đại diện cho thế giới Công giáo, nặng khoảng 2,23 kg, làm từ vàng và nạm đá quý.
Vương miện Thánh Edward
Bệ đỡ cho phần đỉnh của vương miện là những dải vàng nguyên khối được bắt vít với nhau tạo nên cấu trúc thân của vương miện. Các dải vàng được trang trí bằng 444 viên đá quý, bao gồm hồng ngọc, ngọc lục bảo, thạch anh tím, ngọc bích và các loại đá quý khác. Bên trong của cấu trúc vàng - đá quý là mũ nhung tím và dây đeo lông chồn.
Vua Charles cũng sẽ ngồi lên Ngai Thánh Edward, một tạo tác cổ đã có từ thế kỷ XIV. Chiếc ngai làm từ gỗ sồi Baltic, được trang trí với họa tiết động vật, chim, cây cối trên nền mạ vàng.
Tu viện Westminster miêu tả Ngai Thánh Edward là "một trong những đồ nội thất quý giá và nổi tiếng" nhất thế giới. Ngai Thánh Edward được bảo quản trong tình trạng đáng kinh ngạc dù đã hơn 700 tuổi.
Sau lễ đăng quang ở Tu viện Westminster, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla sẽ trở về Điện Buckingham để tiếp nhận lễ chào mừng của quân đội hoàng gia. Cuối cùng, nhà vua và hoàng hậu sẽ thực hiện nghi lễ truyền thống vẫy chào thần dân từ ban công, trong khi 60 máy bay chiến đấu của quân đội bay qua trên bầu trời.
Theo Zing