Cá voi liên tiếp xuất hiện ở vùng biển Khánh Hòa theo các chuyên gia có thể môi trường biển đang được cải thiện, song cũng có thể do biến đổi khí hậu khiến cá voi di chuyển khỏi môi trường sống đặc trưng.
Có thể báo trước sắp có bão
Trong 2 ngày qua, một video trên mạng xã hội quay cảnh con cá voi xuất hiện trên vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh đã thu hút nhiều lượt xem, bình luận. Mọi người đều tỏ ra thích thú khi thấy cảnh cá voi xuất hiện trên biển Cam Ranh.
Trước đó, vào ngày 25/6, một nhóm du khách khi đi tàu trên biển vui chơi thì phát hiện một con cá voi lưng màu đen, dài chừng 15m xuất hiện hiện trên vịnh Cam Ranh. Vị trí cá voi xuất hiện cách đảo Bình Hưng (TP. Cam Ranh) khoảng 400m.
Trong thời gian xuất hiện vài phút, mọi người chứng kiến cá voi ngụp lặn rồi ngoi lên mặt nước nhiều lần. Sau đó, cá voi lặn và đi ra xa vùng biển này.
Vào ngày 18/6 vừa qua, một đàn cá heo hơn trăm con xuất hiện và bơi lội trước tàu ngư dân gần đảo Hòn Gầm, thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.
TS. Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, sự xuất hiện của đàn cá heo lên đến cả trăm con có thể là dấu hiệu môi trường biển ở đây rất tốt, các hệ sinh thái biển rất khỏe mạnh, đa dạng. Bởi thuộc tính cá heo thường di chuyển theo nguồn thức ăn của chúng là những loại cá nhỏ.
Cũng có thể có khả năng do con cá voi này đi kiếm thức ăn, nhưng do thủy triều rút quá nhanh nên không kịp bơi về biển. Hoặc cũng có thể nguyên nhân là do sự thay đổi đưa các dòng nước giàu dinh dưỡng vào bờ với nguồn thức ăn phong phú, thu hút cá voi đến gần, do những trận bão biển bắt nguồn từ sự thay đổi của gió làm cá voi mất phương hướng và dạt vào bờ.
Cũng theo TS. Nguyễn Kiêm Sơn, khả năng cá voi dạt vào bờ do nguồn nước ô nhiễm là không có cơ sở, bởi cá voi thường sống ở vùng biển sâu, nước lạnh. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì các loài cá có sức sống thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng trước. Cá voi là loài có sức sống rất mãnh liệt, hơn nữa nếu nguồn nước ô nhiễm thì chúng có thể di chuyển môi trường sống sang vùng biển khác, nên không thể kết luận vùng biển cá voi mắc cạn là vùng nước ô nhiễm.
Ở các vùng biển Việt Nam, ngoài cá voi, cá mập cũng thường xuất hiện, nhưng đa phần là cá mập trắng – một loài hiền lành, ít tấn công người. Trước đây ở Quy Nhơn có trường hợp người tắm biển bị cá mập tấn công là vì khu vực biển này lắp đặt nhiều chà cá, bẫy lồng, chà tôm hùm, rạn nhân tạo… thu hút các loài cá mập vào kiếm ăn.
Việc xuất hiện cá heo hay cá voi như chúng ta thấy có thể do đàn cá đang đi theo một luồng thức ăn chảy qua khu đó, hoặc trên biển chuẩn bị xuất hiện cơn bão nhiệt đới nào đó nên cá tìm đường tránh và dạt vào vùng biển gần bờ.
Ứng phó khi gặp cá lớn
Theo TS. Võ Văn Quảng, Viện Hải dương học Nha Trang, cá dữ hay các đàn cá lớn thường xuất hiện ở các vịnh là bởi ở đây có điều kiện thuận lợi để chúng cư trú và kiếm ăn. Hơn nữa ở xung quanh các vịnh thường có các lồng nuôi tôm hùm với nhiều mồi bên trong cũng thu hút chúng tìm đến. Hiện tượng El Nino cũng làm cho nhiệt độ và độ đục của dòng chảy tăng lên cũng khiến các loài cá này di chuyển vào gần bờ hơn.
TS. Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, cá voi thường có hình dáng to lớn, có khi nặng đến cả chục tấn, trong khi cá heo chỉ khoảng vài chục kg/con. Đây đều là những loài cá lành, không chủ động tấn công người nên khi gặp chúng trên biển, người dân hoàn toàn yên tâm. Chỉ lưu ý không được hoảng sợ la hét hay đùa giỡn quá trớn đối với đàn cá. Bởi cá voi có thể không tấn công người nhưng với kích thước hàng chục tấn thì chúng chỉ cần há mồm lao nhanh thì khả năng nuốt thẳng người quanh đó vào trong bụng là cũng có thể xảy ra. Tốt nhất khi nhìn thấy cá voi hay cá heo từ xa thì nên dời khỏi mặt nước để quan sát
Ngoài ra, người tắm biển cần lưu ý sẽ rất nguy hiểm nếu đang tắm biển mà gặp cá mập trắng. Theo TS. Nguyễn Kiêm Sơn, vùng biển miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Thuận, Ninh Thuận… là những vùng biển sâu hơn so với miền Bắc nên khả năng xuất hiện các loài cá lớn cao hơn, trong đó có cá mập trắng có thể tấn công người.
Không nên tắm biển một mình ở nơi vắng vẻ, những người bị thương thì chỉ tắm gần bờ. Đặc biệt là những ngày biển động, gió biển nhiều thường làm cá mập dạt vào bờ, người dân nên tránh tắm vào thời điểm này. Cá mập rất hiếm khi tự nhiên tấn công người. Vì thế, nếu chẳng may gặp cá mập thì đầu tiên là nên giữ bình tĩnh. Tim đập mạnh sẽ làm cho cá mập tiếp nhận được sóng âm và nghĩ rằng đó là con mồi để lao tới.
Ở những vùng biển còn hoang sơ, ít khách du lịch, đặc biệt là các vịnh lớn thường xuất hiện các đàn cá. Đa phần đó là những đàn cá nhỏ đi kiếm ăn, không gây nguy hiểm cho du khách. Nhưng nếu gặp những đàn cá chỉ di chuyển trên mặt nước, thân trên màu xanh rêu, bụng có vạch trắng thì phải tránh xa, không được bơi kiểu lao vào giữa đàn cá sẽ khiến chúng hoảng sợ, chạy tan tác và có thể vô tình lao vào tấn công người.
Đối với những đàn cá lớn hơn như cá nhồng, cá kiếm thì phải cẩn trọng hơn nữa, loài cá này có thể tấn công gây chết người trong chốc lát. Đây là những con cá có mõm dài, vây to, miệng to, con to có thể dài đến hàng mét. Nếu bị cá này tấn công kiểu bơi nhao thẳng vào người thì có thể làm đứt cổ, vết thương rộng hơn nhiều so với vết thương do cá nhái gây ra.
Theo Sức khỏe và đời sống