Không ồn ào, náo động, có khi não nề như chèo tuồng, ca trù tao nhã, thảnh thơi mà đài các cao sang tưởng như chỉ dành riêng cho giới quý tộc.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Đẹ từng giành nhiều huy chương vàng toàn quốc và là người thầy
truyền nghề cho nhiều ca nương. Ảnh: Tiến Mạnh
Nhưng không, ca trù thật dân dã. Dù là kẻ có trái tim sắt đá, khi đã ngồi vào chiếu hát ca trù, vẫn bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ, như lạc vào một thế giới ảo huyền.
Tương truyền nguồn gốc ca trù có từ đời nhà Lý và làng Lỗ Khê (Hà Nội). Thoạt đầu nó có lối hát như chèo, phục vụ lễ hội cúng tế ở đình, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự… Nhưng về sau việc tế lễ ở đình làng mai một thì người ta mang ca trù vào trong nhà, rồi trở thành thể loại thính phòng.
Có một thời trong quan niệm của xã hội coi ca trù là hát cô đầu, ả đào, nhả tơ... là lĩnh vực “buôn phấn bán hoa” của những kẻ chơi bời? Số là hồi đầu thế kỷ trước, một số địa phương phát triển xóm cô đầu, những bài hát ca trù được mang ra phục vụ khách chơi và bị biến dạng, méo mó. Đến gần đây, ca trù đã được xã hội tôn vinh là một loại hình văn hóa phi vật thể vào loại đặc sắc.
Hát ca trù là thú chơi thanh nhã tột bậc của ông cha ta, tuyệt nhiên không dung tục tầm thường như nhiều người ngộ nhận.
Các giáo phường hát ca trù có tổ chức chặt chẽ, từ cách ứng xử với khách nghe và các phường khác. Người ngoài giáo phường chỉ nghe lỏm mà biết hát, có hành nghề cũng chỉ coi là đào ngang. Người được đào tạo bài bản mới được gọi là đào nương. Các giáo phường đều thờ chung một vị tổ nghề. Tương truyền đó là công chúa Mãn Đường Hoa, quê ở Thanh Hóa, người sáng tạo và truyền bá ca trù. Sau ca trù được bổ sung, hoàn thiện thành một loại hình nghệ thuật độc đáo không thể lẫn với nghệ thuật khác.
Ca từ của ca trù là những vần thơ giàu nhạc điệu và chan chứa tình cảm của người yêu cuộc sống, tài hoa mới viết nên. Soạn giả ca trù ngày xưa thường là văn nhân, các thi sĩ hoặc quan viên tính tình phóng khoáng, ví như Tản Đà, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh... Nội dung ca trù lại phong phú, khi là tả nỗi niềm thế sự, khi là cảnh đẹp mộng mơ của nước biếc non xanh, cũng có bài tả cảnh tang bồng hiệp khách. Xin trích mấy câu hát sau đây:
…Kể từ thuở biết xuân bốn chín năm về trước
Vẫn rượu thơ non nước thú làm vui
Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi
Tính trăm tuổi đời người ta có nửa
Còn sau nữa lại bao nhiêu xuân nữa
Mặc trời cho ta chửa hỏi làm chi
Sẵn rượu đào, xuân uống với ta đi…
(Gặp xuân - Tản Đà)
Không khí hát ca trù lọt vào thế giới huyền ảo chỉ còn có sự tao nhã thiêng liêng, trong vắt chất liệu nhân văn.
|
|
Một màn hát thường có ba người: người hát, người đệm đàn đáy và người cầm trống chầu. Người hát, còn gọi là đào hát hay đào nương. Đào nương ngoài vẻ đẹp còn được đào tạo trong giáo phường. Khi hát phải vận trang phục đoan trang: quần lĩnh, áo đoạn hoa, khăn nhung, tóc đuôi gà. Chỉ nhìn thẳng, không đánh mắt làm tình, cợt nhả, càng không được tự tiện nhận tiền thưởng của khách. Họ chinh phục người nghe bằng âm thanh, nhả chữ buông lời, hút hồn khách bằng nghệ thuật thanh nhạc chứ quyết không bằng kiểu lả lơi rẻ tiền, dung tục.
Một tài liệu đã mô tả chân dung đào nương thế này:
Mặt tròn như nguyệt, mắt sắc như dao cau
Vào, duyên phong nhã. Ra, duyên hồng lâu
Lời ấy gấm, miệng ấy thêu, dịu như mai, trong như tuyết
Nét phong lưu chi kém bạn Vân Kiều…Đào nương phải có bản lĩnh trong khi trình diễn nghệ thuật, bởi đối tượng nghe phần đông là các khách thuộc bậc thượng lưu, các quan địa phương ra tỉnh hoặc về Hà Nội công cán, rồi được bạn đồng liêu hay các văn nhân khoản đãi, chứ không mấy có thường dân. Cũng vì thế mà có khách nghe cũng phong lưu cầm trống chầu, hòa nhịp theo đào nương và kép đàn. Đào nương không quá xúc động trước các fan hâm mộ và đấng mày râu.
Để có màn hát hay, có người đánh đàn đệm gọi là kép đàn và trống chằn của người thưởng thức, tức người cầm chầu. Đào nương đã khổ công luyện giọng, khi buông lời phải tròn vành rõ chữ, hơi ngân phải rung đổ hột, thì kép đàn cũng gian nan luyện tập không kém. Anh kép đàn phải ngọt, hòa tấu ăn ý, lại bay bổng. Trong dàn đệm còn có cổ phách và trống chằn. Người cầm chầu không phân biệt giai tầng xã hội, mà căn bản là sành điệu. Phải biết phân biệt được khổ trống, làn điệu đâu là lạc nhạn, phi nhạn đâu là thuỷ châu, tranh triện hay hạ mã. Người cầm chầu không được đánh trống lấp đi tiếng hát, như thế trong nghề cho là đánh vào miệng ca nương. Ngồi vào chiếu cầm chầu, quan viên phải gõ đúng nhịp, phách; trống khi thì một tiếng khoan nhặt, khi thì ba, năm tiếng dập dồn có khi chín tiếng rộn ràng. Đến khi tới cao trào rộn rã, tiếng phách tiếng đàn ăn nhịp với nhau, quan viên cao hứng, đào nương trổ tài thì đúng là tri âm hội ngộ. Không khí hát ca trù lọt vào thế giới huyền ảo chỉ còn có sự tao nhã thiêng liêng, trong vắt chất liệu nhân văn.
Về kết cấu một bài ca trù mẫu mực thường có ba đoạn gọi là ba khổ. Hai khổ đầu mỗi khổ bốn câu, khổ thứ ba có ba câu. Nếu bài nào chỉ có khổ đầu và cuối, thiếu khổ giữa thì gọi là thiếu khổ. Trái lại có bài hơn ba khổ gọi là dôi khổ. Khổ dôi ra phải là khổ giữa, và dôi ra bao nhiêu tuỳ vào nội dung cần phải dài thêm. Số chữ trong mỗi câu ca trù không hạn định, nhưng thông thường mỗi câu có bảy, tám chữ, có trường hợp một câu chỉ có ba, bốn chữ, cũng có trường hợp một câu kéo dài đến mười ba, mười bốn chữ. Đặc biệt câu kết bao giờ cũng chỉ có sáu chữ để phù hợp với nhịp phách. Trong ca trù, chú ý hai câu năm sáu (mở đầu khổ thứ hai) thường là hai câu thơ luật ngũ ngôn hoặc thất ngôn có khi bằng chữ Nôm hoặc chữ Hán. Khi tác giả cho vào ca trù lời thơ bằng chữ Hán thì người nghe thường khó hiểu, bởi đó là những điển tích cổ xưa, cho đến gần đây các nhà soạn giả dùng tiếng Việt cho dễ hiểu. Vần trong ca trù cũng rất phong phú, đủ vần lưng và vần chân, vần trắc và vần bằng, nhưng phần nhiều là vần chân liền nhau từng đôi một. Âm hưởng của ca trù còn do ảnh hưởng của sự kết hợp các từ thanh bằng, thanh trắc xen kẽ nhau, tạo thành giai điệu êm dịu bổng trầm mà đài các. Ngoài ra cũng có bài người ta cho mở đầu bằng mấy câu thơ lục bát gọi là mưỡu đầu và kết thúc cho hai câu lục bát gọi là mưỡu hậu.
Trước đây ở Hải Dương cũng có các giáo phường ca trù. Nói tới ca trù ở Hải Dương là phải nhắc tới Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Đẹ. Cụ sinh ra trong một gia đình có 5 đời theo nghiệp hát ca trù. Thời trẻ từng theo cha mẹ biểu diễn khắp nơi, vào tận kinh thành Huế. Đây là một kép đàn diệu nghệ, từng thăng trầm với nghề do biến thiên thế sự. Giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật ca trù tôn vinh cụ là “Đệ nhất danh cầm đàn đáy”. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Đẹ giành nhiều huy chương vàng toàn quốc và đã nhiều năm truyền dạy cho nhiều ca nương thành danh như ca nương Phạm Thị Huệ, Trương Thị Chiêm, kể cả Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Vân, nhờ cụ truyền cho ngón nghề hát ca trù mà thành nổi tiếng… Năm 2009, nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Gìn giữ, duy trì phát triển loại hình ca trù chính là giữ gìn báu vật của ông cha.
Nghệ sĩ Ưu túKHÚC HÀ LINH