Ca sỹ Hà Myo: Thêm màu hiện đại để nhạc dân tộc vươn ra thế giới

08/05/2022 07:49

Hà Myo hy vọng sẽ có nhiều nghệ sỹ trẻ cùng chung tay mang âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới, góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên số.

Ca sỹ Hà Myo mang màu sắc hiện đại, trẻ trung cho âm nhạc truyền thống. (Ảnh: NVCC)

Khi Hà Myo (Hà Xẩm) giành ngôi Á quân Giọng hát hay Hà Nội năm 2020 với bài xẩm kết hợp với rap và EDM mang tên “Xẩm chợ Đồng Xuân,” cô bắt đầu được chú ý như một cơn gió lạ của làng nhạc Việt. Giải thưởng đó đã định hình phong cách của Hà, để cô có thêm quyết tâm lan tỏa âm nhạc truyền thống đến giới trẻ.

Mới đây, Hà Myo vinh dự nhận danh hiệu "Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021" vào ngày 26/3/2022. Đó là sự ghi nhận và động viên to lớn đối với Nguyễn Thị Ngọc Hà, cô ca sỹ trẻ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

‘Đến với xẩm như tờ giấy trắng’

- Với danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021, chắc hẳn bạn đang thấy rất hạnh phúc?

Ca sỹ Hà Myo: Tôi thấy vừa áp lực, vừa hạnh phúc nhưng trên tất cả, đó là sự khích lệ to lớn. Nhìn vào các hồ sơ đề cử, tôi thấy mình không nổi trội về kinh nghiệm và giải thưởng. Tôi được nhận vinh dự này có lẽ vì nỗ lực cống hiến cho âm nhạc truyền thống.

Ca sy Ha Myo: Them mau hien dai de nhac dan toc vuon ra the gioi hinh anh 1

Hà Myo vinh dự nhận danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021. (Ảnh: NVCC)

- Tình yêu âm nhạc của bạn bắt đầu như thế nào?

Ca sỹ Hà Myo: Hồi nhỏ, bố tôi hay đưa đi xem văn nghệ ở khắp các thôn xóm vùng quê Ba Vì. Suốt thời học sinh, tôi luôn tham gia đội văn nghệ của lớp, của trường.

Tuy nhiên, gia đình tôi không muốn tôi theo con đường ca hát vì sợ con vất vả. Mẹ tôi muốn tôi trở thành cô giáo nên khi tốt nghiệp phổ thông tôi nộp hồ sơ vào Cao đẳng Sư phạm Trung ương và Đại học Sư phạm Hà Nội rồi xin thi thêm Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Mẹ tôi đồng ý mà không biết tôi bỏ 2 trường kia, chỉ thi Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều. Vì bố mẹ không cho phép nên tôi không hề có sự chuẩn bị trong khi các thí sinh khác đều có nền tảng thanh nhạc, khí nhạc.

Trước khi vào thi, tôi còn không biết chơi đàn hay thẩm âm, tiết tấu. Tôi mượn đàn “học vẹt” trong 3 ngày. Phần thẩm âm thì tôi không gặp khó khăn vì khả năng bắt chước nhanh nên tôi gõ nhịp theo các thầy khá chính xác.

- Hà Myo không phải một ca nương được hấp thụ điệu xẩm từ nhỏ. Làm thế nào mà bạn hát xẩm “ngọt” thế?

Ca sỹ Hà Myo: Năm 2019, tôi được học về ca trù, quan họ, chèo, xẩm với nghệ sỹ ưu tú Văn Ty. Càng tìm hiểu, tôi càng cảm thấy tiếc khi âm nhạc truyền thống không có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả trẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ đơn thuần.

Khi đi thi Giọng hát hay Hà Nội, tôi cũng chỉ thể hiện những bài hát nhạc nhẹ, sở trường của mình. Vào đến chung kết, tôi nghĩ mình phải phá cách, tạo ấn tượng hơn với khán giả và ban giám khảo nên đã quyết định “rẽ lối.”

Trong lúc đang bối rối tìm cách triển khai bài thi thì tiếng nhạc điện tử từ studio của chồng tôi (nhà sản xuất âm nhạc điện tử Thế Phương VBK) vọng vào và ý tưởng kết hợp xẩm với EDM xuất hiện.

Tôi tìm gặp “chuyên gia xẩm” - nhạc sỹ Nguyễn Quang Long để nhờ cậy. Ủng hộ ý tưởng liều lĩnh đó, anh Long gấp rút biên soạn lại lời bài “Xẩm chợ Đồng Xuân” cho cô đọng, phù hợp hơn và đặt tên là “Xẩm Hà Nội.”

Từ đó, tôi yêu xẩm theo cách rất khó lý giải. Dường như Hà Myo và xẩm tìm thấy nhau và thật may mắn là hợp nhau. Ở xẩm, tôi được là chính mình.

Ca sy Ha Myo: Them mau hien dai de nhac dan toc vuon ra the gioi hinh anh 2

Ca sỹ Hà Myo và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Từ một ca sỹ hát nhạc nhẹ “rẽ lối” sang xẩm, bạn đã gặp những khó khăn như thế nào trong việc học các làn điệu cổ?

Ca sỹ Hà Myo: Mãi đến khi thi Giọng hát hay Hà Nội, tôi mới biết đến nghệ nhân xẩm lừng lẫy Hà Thị Cầu. Thực tế, tôi không dám nghe nhiều vì sợ bị ảnh hưởng bởi phong cách của người khác. Tôi đến với xẩm như một tờ giấy trắng. Có lẽ vì thế nên ngay từ khi bắt đầu, tôi đã hát xẩm theo cách của mình.

Khó khăn bắt đầu khi tôi đầu tư làm MV đầu tay “Xẩm Hà Nội.” Khoản tiền hai vợ chồng chuẩn bị mua nhà được mang ra đầu tư sản xuất MV. Vậy là cho đến giờ này, tôi vẫn đang ở nhà thuê (cười).

Việc phá bỏ khuôn vàng thước ngọc của một loại hình âm nhạc truyền thống rất dễ vấp phải sự chỉ trích. Tôi lo rằng liệu sự kết hợp chưa từng có này có làm méo mó nội dung, cấu trúc âm nhạc cùng lề lối, làn điệu của xẩm, liệu có giúp xẩm tìm được chỗ đứng trên sân khấu hiện đại hay không? Thêm nữa, đây là bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi, nếu khán giả hay giới chuyên môn không hài lòng thì tôi rất dễ bị tẩy chay và những sản phẩm sau cũng sẽ vấp phải định kiến.

Cuối cùng, dù được khen hay bị chê thì tôi cũng vẫn tự hào vì đã vượt qua được giới hạn bản thân để thử sức với cái mới.

Kết hợp nhạc dân gian và hiện đại

- Mới đây, bạn có sản phẩm mới là dân ca Mường kết hợp với rap và EDM. Có vẻ như bạn đang cố gắng mở rộng giới hạn của mình?

Ca sỹ Hà Myo: Đúng là tôi không chỉ dừng lại ở xẩm mà sẽ còn khám phá bản thân ở những thể loại âm nhạc dân gian, truyền thống khác. Tôi ấp ủ ý tưởng đưa các loại hình âm nhạc dân gian kết hợp với nhạc hiện đại để có thể đem niềm tự hào dân tộc đến với các bạn trẻ yêu nhạc cũng như bạn bè quốc tế.

Ca sy Ha Myo: Them mau hien dai de nhac dan toc vuon ra the gioi hinh anh 3

Ca sỹ Hà Myo trong sản phẩm âm nhạc mang màu sắc văn hóa Mường. (Ảnh: NVCC)

- Hoàng Thùy Linh cũng có nhiều sản phẩm mang âm hưởng dân gian. Bạn có lo lắng nếu như cũng có nhiều người theo đuổi dòng nhạc giống mình?

Ca sỹ Hà Myo: Đây là một dòng nhạc vô cùng khó và đòi hỏi sự nghiêm túc, đầu tư về thời gian, về kinh phí và năng lực rất nhiều. Tôi xác định cần phải tạo ra một giá trị có ích cho cộng đồng, phải lan tỏa âm nhạc truyền thống đến giới trẻ. Vậy nên, nếu chỉ có một mình thì ước mơ đó không thể trở thành sự thật.

Tôi vẫn luôn hy vọng sẽ có nhiều nghệ sỹ trẻ cùng với Hà Myo chung tay mang âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới, có như vậy thì chúng ta mới có thể chấn hưng văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên số.

- Bạn sẽ kết hợp uyển chuyển giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại như thế nào để sản phẩm của mình vươn ra ngoài biên giới Việt Nam?

Ca sỹ Hà Myo: Với vai trò là nghệ sỹ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, tôi có rất nhiều cơ hội để có thể đưa xẩm đến với các sân khấu quốc tế trong các chương trình giao lưu văn hóa. Tuy nhiên trong tương lai Hà vẫn rất mong muốn có những điểm đột phá về mặt truyền thông cũng như những sự hỗ trợ quan tâm từ cơ quan Nhà nước để mở đường âm nhạc dân gian được quảng bá với bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, YouTube cũng là một kênh chia sẻ sản phẩm âm nhạc rất tốt. Hà đã thấy nhiều bình luận của người nước ngoài trên những sản phẩm âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Ca sỹ Hà Myo tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh ngày 26.6.1993. Cô tốt nghiệp bằng Giỏi khoa sư phạm trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, hiện đang công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, là thành viên nhóm nhạc Pha Lê.

Các thành tích đạt được: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam giai đoạn 2016-2021; Giải Nhất tiếng hát Thanh niên Thủ đô 2016; Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc 2017; giải Nhì Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt-Trung 2019; Giải Nhì cuộc thi K-Pop Contest 2019; Giải bài hát về Hà Nội hay nhất và Giải Nhì Chung cuộc cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020; danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021.

Các sản phẩm âm nhạc nổi bật: “Xẩm Hà Nội,” “Xẩm Xuân chúc phúc,” “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội,” “Xẩm Xuân xanh,” “Đập Nàng Khọt.”

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca sỹ Hà Myo: Thêm màu hiện đại để nhạc dân tộc vươn ra thế giới