Sau khi cắt bỏ khối ung thư, nạo hạch cho bệnh nhân, phẫu thuật viên lấy phần cơ và da ở bụng (hoặc đùi) để tạo hình một chiếc lưỡi mới. Mỗi ca phẫu thuật này kéo dài khoảng 8 giờ, bác sĩ nhận thù lao 400.000 đồng.
“Thà chết cũng phải mổ”
Điện thoại của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh lưu giữ khá nhiều hình ảnh của bệnh nhân ung thư lưỡi. Anh nói, người nào không quen dễ có cảm giác “kinh dị”.
Khoảng 70% người bị ung thư lưỡi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4. Vùng khoang miệng, lưỡi đã lở loét nặng nề. Dù chỉ nuốt nước bọt, người bệnh cũng đau đớn. Miệng bốc mùi khó chịu do không thể vệ sinh. Nhiều trường hợp suy kiệt vì không ăn uống được.
Bệnh nhân sau khi được cắt bỏ khối u lưỡi và tái tạo lưỡi mới
Một trong những ca phức tạp nhất bác sĩ Khôi từng gặp là người đàn ông 40 tuổi, phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. Người này đến viện khi khối u chiếm toàn bộ lưỡi, sưng to, khoang miệng trũng xuống tận vùng cổ. Sau khi ê-kíp cắt bỏ khối bướu lớn, bác sĩ có thể nhìn xuyên từ cằm lên tận vòm miệng người bệnh.
Tuy nhiên, nếu chỉ cắt khối u, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong vì dịch tiết đường họng đi vào phổi gây viêm. Do đó, các ca mổ cho bệnh nhân ung thư lưỡi luôn gồm 2 phẫu thuật: cắt bỏ và tái tạo.
Sau khi lấy một vạt có cơ và da ở vùng bụng hoặc đùi, đủ độ dày để tạo hình lưỡi, bác sĩ sẽ đưa lên để “gắn” thành lưỡi mới cho người bệnh, lấy vạt da có máu nuôi để che phủ bên ngoài. Những ca vi phẫu tạo hình như vậy thường kéo dài khoảng 7-8 giờ.
Đổi lại, người bệnh có thể chấm dứt những đau đớn, được tập nuốt, tập nói. Nhiều trường hợp liên hệ cảm ơn bác sĩ một cách rành rọt qua điện thoại với chiếc lưỡi mới.
Một bệnh nhân vừa được phẫu thuật cách đây ít ngày là bà P.T.H (54 tuổi, Khánh Hòa). Bà H. nhập viện khi ung thư lưỡi ở giai đoạn cuối, khối bướu và hạch hai bên rất lớn. Sau 3 đợt hóa trị để bướu nhỏ lại, bà H. bước vào phẫu thuật.
Theo bác sĩ Khôi, ca mổ khó khăn do hạch quá lớn dính vào động mạch cảnh. Sau khi nạo hạch 2 bên, cắt khối bướu, bà được tạo hình lưỡi từ phần cơ và da ở ngực. Ca phẫu thuật như giải thoát bà H. khỏi những tháng ngày không thể ăn uống, nói chuyện, người nhà phải xay cháo để bà ăn qua ống hút.
“Nhiều bệnh nhân nói dù có chết họ cũng phải mổ, không phải vì chuyện sống nhiều, sống ít mà để họ hết đau đớn. Chi phí thực hiện phẫu thuật này ở Singapore khoảng 100.000 USD, còn ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh là 18 triệu đồng, chưa bằng 1%”, bác sĩ Khôi nói.
Ca mổ dài 8 giờ, bác sĩ nhận thù lao 400.000 đồng
Theo Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến nay, khoảng 300 bệnh nhân đã được thực hiện tái tạo toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư tại đây, tỷ lệ thành công lên đến 98%. Đây là phương pháp hoàn toàn do bác sĩ của bệnh viện tự nghiên cứu, sau đó hình thành các ê-kíp chuyên nghiệp, phục vụ người bệnh. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi là người khởi đầu từ 10 năm trước.
Theo bác sĩ Khôi, để học bài bản, mỗi khóa đào tạo phẫu thuật tái tạo ở Mỹ thường kéo dài trong 3 năm. Không có điều kiện tham gia, anh đã tự học bằng nguồn dữ liệu rộng lớn trên Internet cũng như từ các giáo sư nước ngoài. Anh thực hiện tái tạo cho những ca phải cắt bỏ một phần lưỡi trước và tiến dần đến phức tạp hơn.
Thời gian đầu, anh gần như chỉ theo đuổi nhờ sự hăng hái của tuổi trẻ. Dù rất vất vả trong phòng mổ suốt 12 giờ/ca nhưng anh không dám rủ thêm đồng nghiệp. Lý do vì mổ vất vả mà chi phí không bao nhiêu. Sau một thời gian, anh và các bác sĩ tự đào tạo lẫn nhau, xây dựng được ê-kíp chuyên nghiệp, phối hợp hiệu quả và tiết kiệm được thời gian.
“Rõ ràng, nếu đi một mình sẽ không thể điều trị cho nhiều bệnh nhân như hiện tại. Từ 2018 đến nay, chúng tôi phẫu thuật tái tạo khuyết hổng toàn bộ lưỡi cho trên 300 trường hợp.
Do thực hiện nhiều nên chúng tôi có kinh nghiệm hơn so với đồng nghiệp nước ngoài. Ví dụ như họ mất 2 giờ để nối 3 mạch máu thì bác sĩ ở đây hoàn thành trong 30-45 phút. Một số trường hợp họ dùng kính hiển vi, chúng tôi dùng kính lúp vì đã quen tay”, anh nói.
Mặc dù là kỹ thuật khó, thời gian mổ kéo dài nhưng phẫu thuật viên chính chỉ được nhận khoảng 400.000 đồng thù lao theo quy định. Bác sĩ Khôi cho rằng điều quan trọng là giải quyết được sự đau đớn cho bệnh nhân, giúp họ phục hồi các chức năng nói, nuốt cơ bản gần với bình thường nhất.
Theo bác sĩ Khôi, ung thư lưỡi không phổ biến nhưng khiến người bệnh khổ sở và thường điều trị trễ. Khi đó, cơ hội sống và chất lượng sống của bệnh nhân đều giảm sút nghiêm trọng. Mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 150-200 ca ung thư lưỡi. Ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống còn sau 2 năm chỉ khoảng 40%.
Theo Vietnamnet