Trưởng Ban Dân nguyện cho biết thời gian qua, các cơ quan đã giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của QH, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết cơ bản đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri kiến nghị.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Đã có 20/22 bộ trưởng trực tiếp ký văn bản trả lời cử tri. 1.878 kiến nghị đã được giải quyết xong, đạt tỷ lệ 18,79% (cao nhất trong vòng 15 năm và cao gấp 1,5 lần nhiệm kỳ trước).
Hàng loạt nơi tinh gọn bộ máy
Liên quan việc giải quyết kiến nghị của cử tri về tinh giản bộ máy, thời gian qua, các cơ quan đã giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương đề cao trách nhiệm người đứng đầu…
Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo nhiều bộ, ngành khẩn trương sắp xếp lại bộ máy, giảm 15 vụ thuộc bộ; 189 phòng thuộc vụ, cục. Bộ Công an đã bỏ 6 Tổng cục, sáp nhập, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục xuống còn 60, giảm 20 Sở Cảnh sát PCCC.
Bộ Công thương đã cắt giảm 5 đầu mối, từ 35 vụ, cục và tương đương xuống còn 30 (26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp; cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng trực thuộc cấp cục).
Bộ Tài chính đã giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và sẽ giảm 50% tổng số Chi cục thuế hiện có.
Tỉnh Lào Cai sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng; Hà Giang hợp nhất Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra, Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy...
Ngoài ra, bà Hải cho biết công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng chống tham nhũng theo kiến nghị của cử tri đã đạt được hiệu quả tích cực.
Trong đó, có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, xử lý kịp thời như vụ vi phạm đất đai ở Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn, hãng phim truyện Việt Nam, khu đô thị mới Thủ Thiêm, vụ đánh bạc trên Internet...
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cũng nhấn mạnh nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay, phải chi trả những khoản kinh phí ngoài quy định khi người dân thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
“Những biểu hiện tiêu cực này người dân thường bắt gặp và đối diện hàng ngày nhưng lại chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà không được phát hiện thông qua công tác đấu tranh nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức”, bà Hải nói.
Vẫn còn câu trả lời khiến đại biểu khó thuyết phục cử tri
Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri như một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn rất chung chung, chưa rõ, thiếu thống nhất nên gặp khó khăn khi thực hiện.
Bà Hải dẫn chứng khi cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị về việc cần sớm lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại nút giao ngã tư Sòng (nút giao QL 1 với QL 9), Bộ GTVT khẳng định: “Việc tổ chức giao thông tại nút giao bằng hệ thống đèn tín hiệu là cần thiết” nhưng lại giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ 2 “đề xuất triển khai lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông khi cần thiết”.
“Câu trả lời của Bộ là rất mâu thuẫn, làm cho đại biểu QH rất khó giải thích, thuyết phục cử tri”, bà Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số văn bản đã được trả lời là tiếp thu và sẽ xem xét để giải quyết, tuy nhiên thời gian đã quá lâu mà vẫn chưa có kết quả. Với một số vấn đề mà cử tri nêu, các bộ, ngành cần tổ chức để giải quyết ngay (như tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoặc nghiên cứu để sửa đổi các văn bản pháp luật), tuy nhiên nhiều cơ quan lại chuyển câu hỏi mà cử tri nêu từ cần phải giải quyết sang dạng trả lời, cung cấp thông tin “sẽ tiếp tục nghiên cứu, sớm giải quyết....”.
Việc này dẫn tới 79,79% kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 được các cơ quan trả lời ở dạng cung cấp thông tin, hoặc trích dẫn các quy định đã có sẵn của pháp luật. Chỉ có 5,14% kiến nghị được tiếp thu để giải quyết.
Có trường hợp cơ quan trả lời viện dẫn cả văn bản không liên quan để trả lời.
Thu Hằng (Vietnamnet)