“Cá kình" làng chài Nam Hải

23/07/2018 18:27

Với 5 lần liên tục giữ kỷ lục bơi lội, cựu chiến binh khuyết tật Nguyễn Văn Hùng được bạn bè đùa vui gắn cho biệt danh "Cá kình làng Nam Hải".

Ông Nguyễn Văn Hùng- con "cá kình" làng chài Nam Hải

Làng chài Nam Hải, thuộc xã Kênh Giang (Chí Linh) nằm ép vào dãy núi, còn mặt kia nhìn thẳng ra khúc sông Kinh Thầy, đối ngạn với đất Kinh Môn nổi tiếng qua một câu cửa miệng dân gian: "Một tiếng gà gáy, 7 xã, 3 huyện, 2 tỉnh đều nghe chung”. Heo hút là thế nhưng ở đây vẫn nổi tiếng về một câu chuyện con “cá kình” trên sông.

Là con trai nhà thuyền chài, năm 1975, người thanh niên Nguyễn Văn Hùng 17 tuổi xin gia nhập quân ngũ.

Chiến đấu trên mặt trận Tây Nam lừng tiếng ác liệt, anh đã bị thương, một quả mìn của Pôn Pốt đã xé nát chân trái của anh giữa lúc sức xuân phơi phới.

Chống đôi nạng về làng, anh thương binh trẻ không khỏi  tự ti về cuộc sống, về hạnh phúc tương lai.

Ngày còn ở nhà, Đỗ Thị Mật - một cô gái làng xinh xắn đã hẹn ước với anh. Đến bấy giờ, chị càng thương anh và vẫn thủy chung lời nguyền. Họ trở thành vợ chồng trong sự đùm bọc của gia đình, thôn xóm...

Ông Hùng và chiếc xe tự chế

Đã bao đời, người dân quê ở đây sống bằng nghề sông nước, lênh đênh đầu nguồn cuối bể. Họ vận tải đường thủy hoặc giăng lưới bắt tôm cá. Gần thì trong các hệ thống sông đồng bằng Bắc Bộ, xa thì ra tận Cô Tô, Móng Cái đảo khơi. Ăn Tết Nguyên đán xong thì đi, gần đến Tết ông Công, ông Táo thì về. Tất cả cho việc mưu sinh.

Vợ chồng người ta có bốn bàn tay, bốn bàn chân, nương tựa nhau xông pha sương gió, cuối bể đầu sông… còn vợ chồng người cựu chiến binh này chỉ có ba chân và một đôi nạng nhưng họ vượt lên số phận, làm đủ mọi nghề. Anh cắt tóc, sửa xe đạp rồi mua dụng cụ hàn cắt cơ khí, học lắp ráp xe ba bánh, vận chuyển trong thôn. Chị chăn nuôi lợn gà. Họ lạc quan yêu đời, nuôi dạy các con sống tốt trên mảnh đất làng chài heo hút bên sông.

Rồi sớm chiều anh ra sông luyện tập bơi. Ban đầu chỉ để có niềm vui, rèn luyện nâng cao sức khỏe cho bớt những cơn đau vết thương chiến tranh khi trái gió trở trời. Ai ngờ với anh, bơi lội thành nghề, có danh có phận…

Đối với nghề bơi lội, người nguyên vẹn đôi chân vẫn có khi bị chuột rút, gặp sóng gió còn sợ đuối nước, còn anh, hai cánh tay, một bàn chân vẫn vẫy vùng ngang dọc…

Ai mới nhìn tưởng dưới dòng sông kia là một tay bơi lội lành nghề, cũng có thể là một vận động viên chuyên nghiệp đang luyện tập trước ngày thi thố… Chỉ đến khi anh lết lên bờ, nhoài người tìm đôi nạng gỗ rồi khập khễnh đi trên bờ cát, lủng lẳng chiếc ống quần tong tong nước chảy, người ta mới hay đó là một người đàn ông đã vào tuổi lục tuần, đúng hơn là một thương binh nặng…

Ông Hùng dạy trẻ em tập bơi

Nguyễn Văn Hùng trở thành vận động viên bơi bội, có tên, có hạng từ khi nào không biết. Những tờ giấy chứng nhận, những tấm huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi bơi giành cho người khuyết tật ở trong nước và khu vực được treo trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông.

"5 lần liên tục mình giữ được kỷ lục", ông nói. Có lẽ vì thế bạn bè đùa vui gắn cho ông biệt danh "Cá kình làng Nam Hải". Năm 2004, con "cá kình" Nam Hải thi khu vực Đông Nam Á tại Malaysia giành huy chương đồng.

Người dân làng chài Nam Hải sống bằng nghề sông nước. Vì thế, lớp trẻ trong làng biết bơi lội để phục vụ cho việc mưu sinh sau này. Xã Kênh Giang có trường tiểu học, những học sinh nhỏ tuổi này cũng phải dạy cho chúng biết bơi. Nghe đài, xem ti vi thấy đâu đó có nhiều trẻ em đi học qua sông bị đuối nước, ông Hùng thấy xót xa. Từ đó, ông càng quyết tâm dành nhiều thời gian  để truyền dạy bơi cho các cháu.

Những buổi chiều trên dòng sông làng chài Nam Hải, người ta lại thấy ông Hùng dẫn các cháu nhỏ ra sông tập bơi. Ông hướng dẫn tỉ mỉ cách bơi cho các cháu, cả trai và gái.

Mất một chân nhưng ông trời lại phú cho ông Hùng đôi bàn tay khéo léo… Bàn tay chai sạn không chỉ biết cầm búa, cầm kìm cắt gọt những tấm kim loại mà bàn tay ấy còn khéo léo làm nghề cắt tóc, làm đẹp vóc dáng cho con người.

Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng người thương binh

Chúng tôi đã đến thăm gia đình người thương binh nặng Nguyễn Văn Hùng ở làng chài Nam Hải. Ngôi nhà xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt được vợ chồng ông tạo dựng sau nhiều năm lao động vất vả. Giữa sân, chiếc xe ba bánh tự chế chờ chuẩn bị đổ dầu chạy thử. Đàn gà đông đúc nháo nhác đòi ăn. Cây táo khá to mới cưa cành, bật lên chồi non mập mạp đợi một kỳ sinh trưởng mới. Ông Hùng cặm cụi lao động, những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Ông bà nói chuyện với nhau tỏ ra thỏa nguyện.

Vợ chồng ông có ba người con, một trai hai gái, nay đều đã trưởng thành. Bà kể thời son trẻ vất vả lắm. Nuôi con ăn học rồi còn tham gia công tác phụ nữ xã. Chưa hết còn phải đi thuyền ra khơi đánh  bắt cá, có khi hàng tháng mới về nhà…

Mấy năm nay, con "cá kình" Nam Hải không vẫy vùng trong các cuộc vượt vũ môn bởi sức nặng của tuổi tác. Thỉnh thoảng người làng lại thấy ông vắng bóng trên dòng sông. Thì ra, nhớ sóng nước, ông đã lại lên tàu theo phường hội ra biển, giúp việc cho các con.

61 tuổi đời, đã từng lăn lộn trong những tháng năm đạn bom ác liệt để lại một phần cơ thể trên chiến trường, người thương binh từ khi về làng đã làm nhiều việc có ích để lấy lại niềm vui và  góp phần trong cuộc mưu sinh.

Kỳ lạ thay, đôi nạng gỗ chập chờn trên mặt đất… nhưng cứ mỗi lần được về với sông nước, ông lại như một con cá kình, thỏa  sức vẫy vùng.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Cá kình" làng chài Nam Hải