Xung quanh ca khúc này là những câu chuyện thấm đượm tình yêu, lòng tự hào về quê hương của người sáng tác - nhạc sĩ Trần Minh.
Nói đến những sáng tác âm nhạc về Hải Dương phải nhắc tới "Hát về Hải Dương" - ca khúc đã phổ biến rộng rãi và được nhớ nhiều hơn cả. Xung quanh ca khúc này là những câu chuyện thấm đượm tình yêu, lòng tự hào về quê hương của người sáng tác - nhạc sĩ Trần Minh.
Trong quá trình sáng tác của mình, nhạc sĩ Trần Minh đã viết nhiều ca khúc
song "Hát về Hải Dương" là tác phẩm anh ưng ý nhất
Hầu như vùng miền nào cũng có những bài hát của riêng mình. Hải Dương cũng thế, đó là "Hải Dương quê hương anh hùng" của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, "Đảm đang là gái Hải Dương" của nhạc sĩ Đức Minh... Sau này, thêm một loạt ca khúc mới ra đời như “Nhớ lắm ôi Hải Dương” của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “Hải Dương đi nhớ về thương” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, "Bài ca Hải Dương" của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân… Nhưng có lẽ, "Hát về Hải Dương" của nhạc sĩ Trần Minh là ca khúc đã phổ biến rộng rãi và được nhớ nhiều hơn cả.
Cảm xúc từ đồng đất quê hươngMặc dù bận rộn với các lễ hội đầu xuân trong vai trò Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng nhạc sĩ Trần Minh vẫn dành cho chúng tôi gần trọn buổi chiều để nói về "Hát về Hải Dương" - đứa con tinh thần của mình. Bên ly cà phê đen sóng sánh, dường như anh buông trôi mọi ồn ào phố xá để thu mình lại, ôm cây đàn mandoline nhỏ bé và cất tiếng hát: "Ta đi thênh thang trên đường mới mở/ Trên những cây cầu ý nhạc lời thơ" - những ca từ của ca khúc này.
Mười chín năm trước, nhạc sĩ Trần Minh được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang mời xem "chạy" thử một vở chèo ở xã Kiến Quốc để chuẩn bị cho hội diễn cấp tỉnh. Diễn viên quần chúng của đội văn nghệ xã là nông dân nhưng diễn rất "ngọt". Bước lên sân khấu, họ như gạt bỏ hết lo toan với cây lúa, hạt ngô để hóa thân vào nhân vật, trôi theo, quấn quýt theo những làn điệu chèo mê hoặc. Lúc khép màn, một diễn viên kể: "Chúng em mê chèo quá nên tự tập với nhau chứ chẳng ai dạy cả". Anh hỏi: "Thế có được thù lao không?". Một bác gái lớn tuổi thật thà: "Đã không có thù lao mà tôi còn phải mất tiền thuê người làm đồng giúp mới có thời gian luyện tập anh ạ”.
Lời kể mộc mạc, hồn nhiên ấy khiến nhạc sĩ chợt nhớ về mảnh đất mình sinh ra, nơi từng nổi danh với các làn điệu chèo truyền thống. Xa xa ở bên kia bờ sông Luộc là quê hương, nơi ấu thơ hằng đêm anh thường trốn mẹ đi xem hát chèo dưới ánh đèn dầu nhập nhoạng. Ở đấy có ông cụ Thiềm hút thuốc lào sòng sọc, nhiều khi sau mỗi buổi cày bước vào chiếu chèo chân còn dính đầy bèo tấm nhưng hát mê say, quyến rũ như diễn viên thực thụ. Đêm ấy, nhạc sĩ Trần Minh đã tình cờ gặp lại hình ảnh những người nông dân lam lũ nhưng mê chèo của gần 40 năm về trước. Bao xúc cảm, ký ức bất chợt ào về. Âm hình chủ đạo của bài hát: “Nhớ về Hải Dương nghe xôn xao như nhớ người thương” ra đời từ đó.
Rời Ninh Giang về đến căn phòng tập thể ở Cung thiếu nhi khoảng 22 giờ 30, anh khẽ khàng kéo tấm ri đô để không ảnh hưởng đến vợ và hai con nhỏ rồi vội vã ngồi vào bàn sáng tác. Chỉ 2 tiếng sau, toàn bộ giai điệu và ca từ của bài hát đã được phác thảo hoàn chỉnh: “Nhớ về Hải Dương nghe xôn xao như nhớ người thương/ Nhớ con đê sông Thái Bình lượn vòng ôm ấp giữ quê mình...”. Thái Bình, tên con sông lớn chảy qua Hải Dương cũng là cái tên của mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhạc sĩ. Cái tên ấy xuất hiện trong bài hát đã gắn kết hai miền quê một cách ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa. Thái Bình là nơi sinh ra nhưng Hải Dương là nơi nuôi dưỡng anh trưởng thành. Viết về quê hương thứ hai như một lời tri ân, nhưng thấp thoáng trong ấy là ký ức ngày chăn trâu, cắt cỏ - nơi suốt những năm tháng ấu thơ anh được đắm mình trong làn điệu chèo say mê của những người nông dân chân chất ca hát cả lúc làm đồng... Truyền thống văn hóa đặc sắc của Hải Dương như "Chí Linh quê hương Bát cổ", thế mạnh công nghiệp của quê hương như "Những chuyến xi măng rộn ràng dây chuyền" cho đến những đặc sản riêng có của tỉnh như "Cây vải thiều trĩu quả" lần lượt xuất hiện. “Hát về Hải Dương” với giai điệu andante (chậm rãi, thư thái, đậm chất dân gian), cùng với ca từ mộc mạc, giản dị được chọn lọc tinh tế như một bức tranh tổng thể, hài hòa giữa không gian, thời gian, cảnh sắc, con người, truyền thống đấu tranh và dựng xây của mảnh đất xứ Đông anh hùng.
Sức sốngNgười đầu tiên được nghe nhạc sĩ ôm guitar thể hiện bài hát "Hát về Hải Dương" là ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy. Nghe xong, ông Oanh ưng ý và cho mời toàn bộ cán bộ, nhân viên Văn phòng UBND tỉnh đến nghe. Hầu hết mọi người đều có ấn tượng với bài hát. Nhưng cũng có người lo ngại rằng bài hát sẽ chìm đi chứ không lưu lại trong lòng người nghe như nhiều ca khúc viết về Hải Dương khác. Mặc dù rút ruột chắt chiu từng ca từ, từng nốt nhạc, song chính nhạc sĩ cũng không dám kỳ vọng bài hát sẽ được phổ biến rộng rãi như ngày nay.
Ca khúc "Hát về Hải Dương" đã có chỗ đứng trong lòng người Hải Dương ở muôn nơi
Hoàn thiện phần nhạc và lời, lúc hòa âm, phối khí, người đầu tiên anh nghĩ đến là nhạc sĩ Hoàng Lương, một người giàu kinh nghiệm. Đến bây giờ, bản phối của nhạc sĩ Hoàng Lương vẫn được nhiều người yêu thích hơn cả, bởi vừa dung dị vừa phù hợp với giai điệu và chất của bài hát. Đặc biệt, ông đã sử dụng âm thanh sáo, đàn dây để tăng thêm không khí rộn ràng và chất liệu dân gian cho toàn bộ tác phẩm. Qua gần 2 thập kỷ, còn rất nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này song có thể nói chưa ca sĩ nào vượt qua được tiếng hát da diết, mặn mòi mà rộn rã của Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Liên.
Nghe bài hát, nhiều người ấn tượng với câu "Trên những cây cầu ý nhạc lời thơ". Đây là đoạn nhạc sĩ tâm đắc nhất, là điểm nhấn trong toàn bộ bài hát. Nhưng ít người biết được rằng để có được 8 chữ ngắn ngủi này là cả một câu chuyện dài nhiều cảm xúc. Thôn Nguyệt Lũ, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải (Thái Bình) - quê gốc của nhạc sĩ là vùng quê văn hiến và giàu truyền thống cách mạng. Sáng 14-10-1930, cùng người dân các vùng khác, nhân dân giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về trụ sở chính quyền tay sai ở phố huyện đấu tranh góp phần làm nên sự kiện “tiếng trống năm ba mươi" lịch sử. Sau này, ngày 14-10 được lấy làm Ngày truyền thống của Hội Nông dân Việt Nam. Từ ngôi nhà của nhạc sĩ Trần Minh nhìn qua bên kia dòng sông Chái trong xanh là nhà của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Ngô Duy Đông và nhà của nhạc sĩ Thái Cơ - tác giả những ca khúc nổi tiếng như "Nghe tiếng trống quê hương", "Rặng trâm bầu"... Và cùng trong xóm 1, cách nhà nhạc sĩ Trần Minh không xa là nhà của liệt sĩ Phan Văn Rung, người chiến sĩ của khẩu đội pháo 105mm đã anh dũng hy sinh trong trận địa bảo vệ cầu Phú Lương. Theo nhạc sĩ Trần Minh kể, ngày ấy cầu đường bộ Phú Lương vừa được đưa vào sử dụng, là cây cầu hiện đại bậc nhất ở Hải Dương. Từ đây nhìn sang, cây cầu đường sắt Phú Lương ngày nào tuy cũ kỹ nhưng vẫn sừng sững, đẹp, như một biểu tượng kiên cường, không thể khuất phục của quân và dân Hải Dương trong chiến tranh chống Mỹ. Lời hát "Ta đi thênh thang trên đường mới mở/ Trên những cây cầu ý nhạc lời thơ" bật lên từ đó...
Thu âm xong, bài hát được phổ biến ngay. Đó là ngày 17-5-1997, khi Nhà Thi đấu thể thao tỉnh khánh thành và đăng cai tổ chức Giải bóng bàn Báo Nhân Dân lần thứ XV. Tối hôm ấy, tại chương trình nghệ thuật chào mừng, khi "Hát về Hải Dương" vang lên đã khiến không ít người ngỡ ngàng, xúc động. Sau đó, nhiều người viết thư khen ngợi, trong đó có cả các cháu học sinh. Những bức thư đó đến giờ anh vẫn trân trọng giữ gìn. Những bức thư như một sự ghi nhận, món quà vô giá của thính giả dành tặng cho người nghệ sĩ.
Về ca khúc này, nhiều người đánh giá rằng dù chưa thể sánh được với các bài "tỉnh ca": "Dáng đứng Bến Tre", "Hà Tây quê lụa", "Bài ca năm tấn" hay "Thành phố hoa phượng đỏ"... nhưng nói đến những sáng tác âm nhạc về Hải Dương bây giờ thì phải nhắc tới "Hát về Hải Dương". Giai đoạn 2011-2012, tỉnh đã tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về Hải Dương, có sự tham gia của đông đảo nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh với số lượng tác phẩm tương đối lớn nhưng cũng chưa có bài hát nào nổi trội, được lưu hành rộng rãi. "Hát về Hải Dương" vinh dự là bài xếp đầu tiên trong 12 ca khúc tiêu biểu về Hải Dương từ Cách mạng Tháng Tám đến năm 2000, nằm ở tuyển tập băng âm thanh và băng hình các ca khúc sáng tác về Hải Dương do Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Lời giới thiệu về ca khúc trong tuyển tập này khẳng định: "Hát về Hải Dương đã được nhân dân Hải Dương và những người yêu Hải Dương nhiệt thành đón nhận, nó được hát lên giữa đại ngàn Tây Nguyên, được hát giữa những sân khấu lớn của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, được thì thầm, ngân nga trong thế giới riêng tư của mỗi con người khi nhớ về mảnh đất thân thương giữa châu thổ sông Hồng. Giai điệu của bài hát vừa gần gũi, thân quen, vừa trữ tình đằm thắm và sang trọng, thiết tha".
Nhạc sĩ Trần Minh nói anh không dám hy vọng bài hát này sẽ trở thành "tỉnh ca" vì tác phẩm âm nhạc phải do người nghe thẩm định và thời gian khẳng định, nhưng ca khúc được phổ biến như hiện nay cũng đã là món quà vô giá đối với người sáng tác. Ba năm sau ngày ra đời, bài hát đã được trao giải A Giải thưởng văn học - nghệ thuật Côn Sơn lần thứ tư và bản nhạc viết tay của nhạc sĩ Trần Minh đã được Bảo tàng Hải Dương lưu giữ.
TIẾN HUY