Nhắc đến nghệ nhân Vũ Văn Chầm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vina Giầy, ai ai trong giới da giầy cũng biết.
Nhưng ít ai biết ông là hậu duệ thứ 18 của một dòng họ có nghề làm giầy da truyền thống ở làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc).
Nghệ nhân Vũ Văn Chầm (giữa), người sáng lập Vina Giầy
Nghề trở thành khát vọngSinh năm 1932 tại làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, nơi nổi tiếng với nghề giầy da truyền thống cách đây hàng trăm năm, từ nhỏ nghệ nhân Vũ Văn Chầm đã làm quen với nghề. Năm 1950, ông rời quê lên Hà Nội với quyết tâm lập nghiệp bằng chính nghề truyền thống của ông cha. Tại một xưởng giầy ở phố Hàng Bột, ông ngày đêm miệt mài học từ cách đo ni, đóng giầy, tạo phom... Sau 3 năm chăm chỉ, ông đã trở thành thợ giỏi, nắm thành thục từng công đoạn làm giầy. Năm 1953, ông xuống Hải Phòng mở xưởng. Không lâu sau đó, ông lại về quê đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp.
Nơi đất khách quê người, không có vốn nhưng có nghề, ông tìm đến một số xưởng đóng giầy dép xin làm phụ việc. Ông không ngần ngại mang hết tâm sức của mình ra đóng góp cho xưởng. Nhờ khéo léo, tinh ý, ông đã nhanh chóng nổi danh với nghề đóng giầy và được nhiều người làm nghề ở Sài Gòn biết đến. Không lâu sau, khi đã tích lũy được kinh nghiệm và có chút vốn liếng, ông quyết định mở xưởng sản xuất riêng. Những đôi giầy do ông làm ra được người Sài Gòn rất ưa chuộng. Năm 1975, khi Sài Gòn giải phóng, cơ sở của ông chuyển sang hình thức HTX, ông chỉ là một tổ viên. "Sau thời gian phát triển, trở thành ông chủ, tôi lại trở về điểm xuất phát, là người đi làm thuê cho HTX. Cuộc sống khó khăn, để nuôi được 8 người con ăn học, vợ chồng tôi phải xoay ra làm đủ nghề. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nản lòng. Ngoài thời gian làm việc ở HTX, có thời gian tôi nhận sửa chữa giầy dép tại nhà và đóng giầy cho những ai có nhu cầu đặt hàng. Nhờ đó, tôi dần lấy lại được tên tuổi của mình trong lĩnh vực đóng giầy da”, nghệ nhân Chầm kể. Nhờ tài năng của mình, ông đã được nhiều vị lãnh đạo Nhà nước như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười… mời đóng giầy.
Miệt mài làm nghề, giữ nghề nơi xứ người, năm 1990, dù đã gần 60 tuổi, nghệ nhân Vũ Văn Chầm vẫn
"Đã là cơ duyên thì khó dứt, lăn lộn bao năm không ít lần thất bại, từng làm nhiều việc khác để kiếm sống nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề tổ. Tôi tin con người có ý chí ắt sẽ gây được nghiệp lớn".
Nghệ nhân VŨ VĂN CHẦM
|
đau đáu khát vọng tạo nên một thương hiệu giầy của người Việt. Ông bắt tay vào việc mở lại xưởng đóng và bán giầy tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, sau đó thành lập Công ty CP Giầy Việt (Vina Giầy). Cũng từ đó, ông cùng gia đình đưa thương hiệu Vina Giầy quảng bá khắp nơi. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều nước trên thế giới. “Đã là cơ duyên thì khó dứt, lăn lộn bao năm không ít lần thất bại, từng làm nhiều việc khác để kiếm sống nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề tổ. Tôi tin con người có ý chí ắt sẽ gây được nghiệp lớn”, nghệ nhân Vũ Văn Chầm chia sẻ.
Nặng lòng với quê hươngKhông chỉ vang danh bằng nghề truyền thống nơi xứ người, gần 50 năm qua, nghệ nhân Vũ Văn Chầm luôn dành cho Hoàng Diệu, cái nôi của nghề đóng giầy Việt Nam, quê hương ông một tình cảm đặc biệt.
Anh Lê Hoàng Hà, nghệ nhân trẻ nhất và duy nhất của làng nghề đóng giầy da Phong Lâm hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Da giầy tỉnh, là người từng có 5 năm theo học nghề đóng giầy từ nghệ nhân Vũ Văn Chầm. Anh Hà cho biết: "Bác Chầm là người có đức, có tài. Trong 5 năm theo học nghề, tôi học được ở bác rất nhiều điều. Bác không chỉ dạy nghề mà còn dạy chúng tôi đạo đức của người làm nghề. Bác luôn nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi rằng nghề nuôi sống mình, vì vậy khi làm nghề phải có được cái tâm, phải chăm chút cho sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng. Trong truyền nghề, bác luôn tận tình hướng dẫn chúng tôi từ những kỹ thuật cơ bản nhất. Bác không bao giờ giấu nghề”.
Khu quảng bá làng nghề giầy da Hoàng Diệu do ông Chầm đầu tư xây dựng
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Diệu Nguyễn Xuân Chiến cho biết: "Những năm qua, ông Chầm đã dành nhiều tâm sức cho quê hương. Năm 2005, ông đã đầu tư xây dựng khu quảng bá làng nghề giầy da Hoàng Diệu ngay tại làng Phong Lâm quê hương của ông. Khu trưng bày không chỉ là nơi thờ tự các vị tổ của làng nghề, là nơi để những người thợ giầy da hướng về cội nguồn mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng. Dù bận rộn với việc điều hành kinh doanh cả một doanh nghiệp lớn nhưng hằng năm ông đều dành thời gian về thăm quê, động viên, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng, giới thiệu thị trường cho làng nghề. Từ năm 1995 đến nay, năm nào ông cũng đào tạo những lớp thợ trẻ cho quê hương".
Hiện nay, cả 8 người con của ông đều theo nghiệp bố, gắn bó với nghề làm giầy da truyền thống. Con trai cả là anh Vũ Văn Minh, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP Vina Giầy. Năm nay, nghệ nhân Vũ Văn Chầm đã bước sang tuổi 84 nhưng ông vẫn chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Và dù gặt hái nhiều thành công trong kinh doanh nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đạt được. “Tôi vẫn còn rất nhiều tâm nguyện với quê hương, với nghề. Tôi đang cố gắng cùng các con hoàn thành việc xây dựng một khu quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề giầy da Hoàng Diệu tại khu Quán Trắm của xã trong năm 2014 nhằm tập hợp những người làm nghề để xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu nghề giầy da Hoàng Diệu”.
Từ một người thợ đóng giầy trở thành một nghệ nhân làm giầy, đưa một cơ sở gia công nhỏ phát triển thành một công ty lớn và nổi tiếng, đó là minh chứng sống động nhất cho tâm huyết của một nghệ nhân nặng lòng với nghề truyền thống.
NGÂN HÀ