Cả đời làm khoa học vì nông dân

03/03/2013 12:27

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng được xem là bậc thầy của ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong di truyền và chọn tạo giống lúa và cây thực phẩm.


Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng trong lần thăm Báo Hải Dương đầu năm 2006
Cả cuộc đời làm khoa học của ông gắn liền với nền nông nghiệp nước nhà.

Việt Nam, từ một nước thiếu lương thực trầm trọng trong những năm chiến tranh, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Để có được điều đó, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học nông nghiệp, trong đó phải nhắc đến con chim đầu đàn - “ngôi sao Thần Nông” Vũ Tuyên Hoàng.

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2-12-1938 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật rất nổi tiếng. Cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ sĩ Hằng Phương. Nguyên quán ở thôn Đông Cao, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, sinh thời ông vẫn tự nhận thuộc dòng dõi họ Vũ (Vũ Hồn) làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang.

Theo lẽ thông thường, khi lớn lên ông sẽ tiếp bước con đường nghệ thuật của gia đình, song ông lại suốt đời gắn bó với nông nghiệp. Nhiều năm gắn bó với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã góp phần gây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam vững chắc với nhiều giống lúa mới, mang đầy đủ cả lượng và chất.

Từ năm 1978 đến năm 1995, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng làm chủ nhiệm các chương trình khoa học kỹ thuật quốc gia về cây lương thực. Chương trình đã tập hợp 43 cơ quan nghiên cứu và các trường nông nghiệp trong cả nước, động viên gần như toàn bộ đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vào phát triển giống mới, kỹ thuật canh tác và chuyển giao khoa học cho nông dân, tạo một cú hích mạnh để Việt Nam vượt qua tình thế ngặt nghèo về lương thực, tiến tới trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới bằng những giống lúa thâm canh, lúa chịu hạn, chịu ngập úng, lúa có hàm lượng prô-tê-in cao.

Trong số hơn 50 công trình của Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng được công nhận cấp quốc gia, có các giống lúa thâm canh (Xuân số 2, NN 75 - 6…), giống lúa chịu hạn (CH5, CH133…), giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (U14, U17…), rồi quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt, chọn tạo các giống rau quả mới bằng phương pháp sử dụng ưu thế lai: dưa chuột, cà chua, các giống táo mới như H12, H32, má hồng….

Ông còn xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở phía Bắc Việt Nam; thâm canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, nhờ các giống lúa P4, P6 có hàm lượng prô-tê-in cao một cách hiếm có, ông còn được nhận một giải thưởng quốc tế về lúa gạo tại Nhật Bản, với giải thưởng này, ông đứng trên cả ông tổ lúa lai của Trung Quốc là Giáo sư Lê Long Bình.

Không chỉ làm khoa học, trong hai mươi mốt năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo cán bộ cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tiến sĩ Hà Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) không khỏi xúc động khi nhắc về người thày của mình: Những việc làm và những thành công của thầy Hoàng đã làm cho chúng tôi gắn bó cả cuộc đời này với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, gắn bó với cây lúa của người nông dân. Chúng tôi rất ấn tượng với những ý tưởng rất lớn lao và rất táo bạo của Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng trong công tác chọn tạo giống lúa. Một trong những cái mà chúng tôi học được ở thày đó là định hướng chiến lược cho công cuộc cải tạo giống lúa và phục vụ cho nhân sinh sau này của Việt Nam. Còn đối với Tiến sĩ Trương Công Tuyện, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có củ  (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) thì được thày Hoàng hướng dẫn là một điều hạnh phúc, may mắn: Tôi là người hạnh phúc khi được thày hướng dẫn luận án tiến sĩ. Thày có một tầm nhìn không riêng về tầm nhìn chiến lược cho công tác nghiên cứu cây lúa mà còn đối với cả cây màu. Từ năm 1978 thày đã định hướng cho chúng tôi nghiên cứu và phát triển cây có củ bằng con đường sinh sản hữu tính. Tôi cho rằng đây là một định hướng dài hơi và thực tế từ năm 2000 cho đến năm 2005, khoai tây hạt và khoai tây hạt lai đã phát triển rất mạnh ở đồng bằng Sông Hồng.

Cuộc đời của Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã dâng trọn cho những người nông dân, gieo vào đất, vào cuộc sống những mầm xanh hy vọng và ấm no. Bên cạnh những công trình khoa học về nông nghiệp, ông còn tham gia vào công tác chính trị xã hội, tham gia phản biện đóng góp nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng còn được biết tới như một nghệ sĩ đa tài với những tác phẩm văn học nghệ thuật mang bản sắc riêng. Ông có 20 tập thơ in chung và 1 tập thơ in riêng, khoảng 400 bài tản văn đăng trên tạp chí Thế giới mới từ năm 1996 đến năm 2004, được tập hợp trong tập Tản mạn đường dài (xuất bản năm 2003). Ông vẽ nhiều tranh chân dung, phong cảnh đăng tải trên một số tạp chí, tham gia một số triển lãm mỹ thuật. Những năm cuối đời trước khi mất (ngày 26-2-2008), có dịp từ Hà Nội về Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, ông đều dành thời gian ghé qua Tòa soạn Báo Hải Dương đàm đạo văn chương. Nhiều tác phẩm thơ của ông đã đăng trên Báo Hải Dương.

TTXVN - PV

Với những đóng góp to lớn cho khoa học nông nghiệp, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô (1988-1991), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga (từ năm 1991), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (từ năm 1994).

Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (năm 2000), Giải thưởng Lúa thế giới lần thứ nhất (năm 1998) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V (dự khuyết), VI, VII, VIII; đại biểu Quốc hội các khoá VIII, XI, XII.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cả đời làm khoa học vì nông dân