Trong cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của mình, Nghệ sĩ Văn Tân đã viết hàng trăm ca khúc và nhạc cho các vở chèo.
Vợ chồng nghệ sĩ Văn Tân
Nghệ sĩ Văn Tân người thôn Cụ Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) từng công tác tại Đoàn Chèo Hải Dương (nay là Nhà hát Chèo Hải Dương. Trong cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của mình, ông đã viết hàng trăm ca khúc và nhạc cho các vở chèo.
Ở tuổi 73, ông vẫn minh mẫn. Rót chén nước chè mời khách, nghệ sĩ Văn Tân kể về cuộc đời lao động nghệ thuật của mình: "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố tôi làm nghề cầm chầu ca trù. Hai người anh lớn là nghệ sĩ chèo. Mọi người trong gia đình cùng một vài người trong làng đã lập nên một gánh hát tư đi biểu diễn ở các nơi". Nghệ sĩ Văn Tân đã được tiếp thu các kiến thức về nghệ thuật chèo truyền thống từ năm 7-8 tuổi. Ông sớm chơi thành thục một số nhạc cụ chèo như: đàn tam, đàn nhị, đàn thập lục... Khi Đoàn Văn công tổng hợp tỉnh được thành lập năm 1960, ông đăng ký thi tuyển và trở thành diễn viên chèo khi mới tròn 20 tuổi. Đến năm 1964, với khả năng thẩm âm và chơi tốt nhiều nhạc cụ, ông được cử đi học lớp sáng tác nhạc chèo toàn quốc cùng với nhiều bậc nhạc sĩ lão thành: Bùi Đình Thảo, Bùi Thanh Bình... Tốt nghiệp, ông được chọn viết ca khúc và nhạc cho vở chèo "Cô giải phóng" (vở chèo viết về chị Út Tịch) cho Đoàn Chèo Trung ương. Đây là tác phẩm nhạc chèo đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông. Phần nhạc chèo được giao cho 5 nhạc sĩ cùng viết. Ông được giao viết ở mảng nhạc và ca khúc. Tác phẩm được đánh giá cao. Hiện phần nhạc và ca khúc này vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Nhà hát Chèo Việt Nam.
Trở về công tác tại Đoàn Chèo Hải Dương, nghệ sĩ Văn Tân đã sáng tác ca khúc và nhạc cho hàng loạt các vở diễn, như: "Tiếng sáo trên trọng điểm", "Mạc Thị Bưởi", "Hương thiên lý", "Phạm Ngũ Lão", "Dòng máu nghĩa tình..." Là con nhà nòi, từng là diễn viên chèo, lại được thụ giáo nhiều bậc nghệ nhân chèo tiền bối như cụ Minh Lý, cụ Cả Tam, cụ Năm Ngũ, nghệ sĩ Dịu Hương nên các vở nhạc chèo do nghệ sĩ Văn Tân viết uyển chuyển, linh hoạt, hòa quyện với kịch bản. Nhạc chèo của ông chứa đựng sự tìm tòi với các yếu tố mới lạ, sáng tạo. Đáng chú ý là nhạc vở chèo "Lên đường cứu nước" của Đoàn Chèo Hải Dương đoạt giải Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 1966.
Là một nghệ sĩ gạo cội, về hưu năm 1985, nghệ sĩ Văn Tân tiếp tục được Nhà hát Chèo mời cộng tác, viết nhạc cho các vở diễn. Tỷ lệ thuận với tuổi tác, những vở nhạc chèo của ông ngày càng sâu sắc, gây được tiếng vang. Năm 2005, ông được mời viết nhạc chèo cho vở “Nam dược thánh nhân”. Vở diễn tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và giành 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 bằng khen. Năm 2006, ông tiếp tục được mời viết nhạc cho vở chèo “Sứ thần Đại Việt”. Vở diễn cũng gây tiếng vang trong đời sống sân khấu chuyên nghiệp. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, tại Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I tại Huế, tiết mục độc tấu bài “Tò vò” bằng đàn gẩy của ông được trao bằng khen. Tiết mục hòa tấu "Bến nước đời người" - liên khúc chèo do dàn nhạc Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn trong đó có ông tham gia giành 1 huy chương vàng.
Không chỉ gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp, từ khi về hưu, nghệ sĩ Văn Tân còn tham gia cả lĩnh vực sân khấu không chuyên. Ông viết nhạc cho các vở diễn của Trung tâm Văn hóa tỉnh và các đội văn nghệ các huyện, thành phố, thị xã. Nghệ sĩ Văn Tân rất có duyên viết nhạc cho các vở chèo của nghệ sĩ Lê Phúc (Chí Linh). Với sự kết hợp nhuần nhụy của kịch bản và nhạc, vở “Cỗ nhất món” đã giành giải xuất sắc tại Hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc tổ chức tại Ninh Bình năm 1999, vở “Kén rể” giành giải xuất sắc và các giải kịch bản, âm nhạc, múa tại Hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc năm 2002 tại Hà Tây, vở “Bà chúa Sao Sa” giành giải khuyến khích tại Liên hoan truyền hình toàn quốc. Đây cũng là những vở diễn làm nên diện mạo sân khấu không chuyên tỉnh nhà.
Giờ tuy có tuổi song nghệ sĩ Văn Tân vẫn đều đặn sáng tác. Mỗi khi có công việc đi đâu ông thường mang theo cây bút và tờ giấy để khi có ý tưởng mới thì ghi chép lại. Khá nhiều tác phẩm nhạc chèo ra đời trong những lần ông đạp xe trên đường. Ngoài sáng tác nhạc chèo ông còn tham gia giảng dạy, truyền thụ nhạc chèo tại Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch, các huyện Thanh Hà, Cẩm Giàng, thị xã Chí Linh và Trung tâm Văn hóa tỉnh. Đến nay hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có học trò của ông.
Tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Văn Tân đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Huy chương "Vì sự nghiệp văn hóa"... Đặc biệt, năm 2011, nhạc chèo các vở “Sứ thần Đại Việt”, “Sân khấu cuộc đời”, “Tiếng hát đêm trăng”, “Hai thầy một cô” của tác giả Văn Tân đã giành giải A của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn. Đây là phần thưởng ý nghĩa động viên người nghệ sĩ già tiếp tục sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật.
NGỌC HÙNG