Nghệ nhân Lưu Đức Anh Tuấn (43 tuổi, ở xã Đồng Tâm, Ninh Giang) say mê nghệ thuật hát văn từ nhỏ.
Anh Lưu Đức Anh Tuấn (giữa) trong một buổi biểu diễn hát văn
Gần 30 năm qua, anh đã không ngừng học tập, dày công nghiên cứu, sáng tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Tự làm đàn để hát
Trên bốn bức tường trong căn phòng khách của gia đình, anh Tuấn dành phần lớn diện tích để treo các loại nhạc cụ, ảnh các buổi đi giao lưu hát văn trên khắp mọi miền Tổ quốc, kỷ niệm chương, bằng khen. Nhã hứng, anh với cây đàn nguyệt, tay gẩy, miệng hát cho tôi nghe bài "Văn Quan Tuần" theo lối dọc, thơ, phú, kiều dương. Giọng anh trong trẻo, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, lúc thì hùng tráng, khi lại bi ai theo giai thoại lịch sử. "Tôi thuộc được khoảng 60 bài hát văn. Nội dung mỗi bài nếu đánh máy phải mất 4-5 trang giấy A4. Tôi đều nhớ hết, chưa bao giờ phải ghi ra sách vở", anh Tuấn khoe.
Xã Đồng Tâm có di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tranh (thờ Quan lớn Tuần Tranh) - một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thu hút nhiều thanh đồng đạo quan về trình diễn. Nhà anh Tuấn cách đền Tranh vài trăm bước chân. Hồi nhỏ, gần như ngày nào anh cũng ra đền Tranh, được đắm mình trong không gian của những buổi diễn xướng hầu Thánh. Thế rồi không biết tự bao giờ, anh đã bị mê hoặc bởi những điệu múa điêu luyện của thanh đồng trên nền nhạc và lời hát văn ngọt lịm của những nghệ sĩ gạo cội.
Năm 11 tuổi, anh Tuấn đã có thể vừa đàn, vừa hát. Anh lọt vào "mắt xanh" của nghệ nhân hát văn Đinh Văn Kền (người Thái Bình) và được nhận làm học trò để truyền dạy thêm. Anh Tuấn tham gia vào tổ hát văn của thầy Kền và nhờ đó ngày càng được mở mang kiến thức, củng cố kỹ năng. Chỉ đúng một năm sau, anh Tuấn đã nắm vững các niêm luật về nhịp trống, phách, cách chơi đàn, thuộc lời và có thể hát được các bản văn cổ để phục vụ các thanh đồng biểu diễn. Đây là điều mà không phải người nào theo nghiệp hát văn cũng làm được. Những bản văn đều rất dài, mỗi bản văn chính tương ứng với một giá hầu gắn liền sự tích của một vị thánh. Mỗi canh hầu thường có 20-36 giá hầu. Bấy nhiêu giá hầu là từng đó bản văn khác nhau, phải rất tập trung và chịu khó mới có thể thuộc hết được.
Không chỉ tiếp thu những kiến thức từ người thầy của mình, anh Tuấn còn chịu khó học hỏi những lề lối hát văn mới, biểu diễn bằng những nhạc cụ mới từ những nghệ nhân hát văn khi đến biểu diễn tại di tích. Năm 15 tuổi, anh Tuấn tự thành lập tổ hát văn ở đền Tranh, thu nạp thêm 2 người có cùng sở thích. Anh dành nhiều thời gian sưu tầm và lưu giữ hàng trăm bài hát văn với nhiều làn điệu khác nhau. Theo thời gian, anh Tuấn không chỉ vừa biết đàn, hát, gõ phách mà còn nắm được đầy đủ niêm luật, lề lối của các bậc nghệ nhân hát văn xưa, quyết tâm giữ gìn vốn cổ của loại hình nghệ thuật này.
Truyền lửa đam mê
Năm 2010, tổ hát văn của anh Tuấn phát triển lên thành Câu lạc bộ (CLB) Hát văn đền Tranh, kết nạp được 26 thành viên. Vào thời điểm đó, có thể coi đây là CLB hát văn lớn mạnh nhất Hải Dương. Cùng năm, CLB được Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh) mời làm đại diện tham gia Liên hoan hát văn, hát chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc và xuất sắc giành huy chương vàng. Thành công này của CLB là tiền đề để Trung tâm Văn hóa tỉnh quyết định thành lập CLB Hát văn Xứ Đông vào năm 2013 và anh Tuấn được giao làm Chủ nhiệm.
CLB ra đời đã trở thành mái nhà chung cho những người yêu mến hát văn trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Hằng năm, CLB tham gia nhiều cuộc liên hoan hát văn, hát chầu văn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cá nhân anh Tuấn có lần còn đi biểu diễn hát văn suốt 3 tháng ròng ở TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. "Nhiều người bảo tôi theo nghề này lắm tiền nhưng không phải thế. Thực tế là làm nghề này nếu để kiếm tiền thì không trụ được. Tôi không biết người khác làm nghề này giàu nghèo thế nào, riêng tôi theo đuổi hát văn chỉ vì yêu thích và muốn gìn giữ, cống hiến", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn còn tích cực truyền nghề miễn phí cho những người đam mê với nghệ thuật hát văn. Theo anh, cái khó của hát văn không chỉ dừng lại ở việc học mà người theo học còn phải hy sinh khá nhiều về sức khỏe. Để giữ giọng trong qua các canh hầu, người hát văn thường phải ăn trầu, uống nước chè đặc, thậm chí phải hút thuốc mà theo anh là để dây thanh quản co lại sau thời gian dài biểu diễn. Thường thì mỗi canh hầu kéo dài khoảng 4-5 tiếng, dài nhất có thể lên tới 8 tiếng. Trong những dịp lễ trọng phải phục vụ các đoàn diễn hầu liên tục, có ngày lên tới 5 đoàn. Vậy nên học trò của anh có nhiều nhưng theo được nghề thì chỉ có hơn 10 người.
Một số học trò của anh Tuấn nay đã trưởng thành, có thể chơi được nhiều nhạc cụ và biểu diễn hát văn thuần thục. Một số người được các cơ cánh hầu đồng đánh giá cao. Anh Nguyễn Văn Tuấn - một trong những học trò xuất sắc của anh Tuấn chia sẻ: "Nhờ có thầy truyền lửa đam mê mà tôi ngày càng thuần thục về hát văn. Theo thầy lâu năm còn giúp tôi hiểu được ý nghĩa, giá trị của môn nghệ thuật này, từ đó hình thành ý thức phải cố gắng gìn giữ và phát huy".
Năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kể từ đó hát văn thật sự được quan tâm và có cơ hội để phát triển hơn. Anh Tuấn đang làm hồ sơ đề nghị được công nhận là nghệ sĩ ưu tú. Anh cho biết luôn sẵn sàng truyền dạy miễn phí với mong muốn nghệ thuật truyền thống của dân tộc sẽ trường tồn mãi theo thời gian.
TIẾN MẠNH