Dễ nuôi, lợi nhuận cao, cá chạch bùn được nhiều nông dân trong tỉnh ưa chuộng.
Gia đình ông Nguyễn Đình Hiệp ở thôn Hạ Bì, xã Cổ Bì (Bình Giang) nuôi cá chạch bùn ở 1,2 mẫu ao
Năm 2022, sau khi tham gia đợt chuyển giao của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và khảo nghiệm giống (Sở Khoa học và Công nghệ), thấy rõ hiệu quả của cá chạch bùn, năm nay anh Nguyễn Văn Thái ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) tiếp tục nuôi loại cá này. Anh Thái cho biết chạch bùn dễ nuôi, lớn nhanh, ít bệnh tật, thị trường tiêu thụ rộng mở khi thương lái đến tận ao thu mua.
"Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 60 triệu đồng từ diện tích gần 1 mẫu ao, cao gấp nhiều lần so với những loại khác. Cá chạch tiêu thụ có mùa nên mỗi năm chỉ nuôi 1 vụ. Làm như vậy vừa tránh được khó khăn về thị trường tiêu thụ, vừa luân canh các con khác để cá không bị nhiễm bệnh", anh Thái nói.
Đây là năm đầu ông Nguyễn Đình Hiệp ở thôn Hạ Bì, xã Cổ Bì (Bình Giang) nuôi cá chạch bùn nhưng đã lãi gần 100 triệu đồng từ 1,2 mẫu ao nuôi. Theo chia sẻ của ông Hiệp, so với cá truyền thống, cá chạch bùn có nhiều ưu điểm. Đó là thời gian nuôi ngắn, hơn 3 tháng được thu hoạch, thức ăn giảm từ 3-4 lần trên cùng diện tích ao, giá bán cũng cao hơn nhiều lần. Ông Hiệp dự kiến tăng thêm 5.000 m2 trong vụ tới để nuôi cá chạch bùn.
Chạch bùn trong tự nhiên ngày càng mất đi do ô nhiễm môi trường, người dân sử dụng các phương pháp hủy diệt. Trong môi trường nuôi, diện tích cũng chưa nhiều và nông dân chưa có kỹ thuật nuôi để đạt năng suất, chất lượng cao. Trong khi đó, tại Hải Dương còn nhiều diện tích vùng trũng đang cấy lúa kém hiệu quả, thuận tiện cho việc phát triển thủy sản, nhất là nuôi cá chạch bùn. Trước thực trạng đó, năm 2018 Chi cục Thủy sản (nay là Phòng Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện Đề tài "Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chạch bùn trên địa bàn tỉnh" và đã thu được những kết quả tích cực. Sau đó, đề tài đã được chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và khảo nghiệm giống quản lý, nhân rộng.
Sau thời gian nuôi từ 3-4 tháng, cá chạch bùn cho thu hoạch
Từ năm 2022 đến nay, trung tâm đã lựa chọn người dân các xã Cẩm Hoàng, Định Sơn (Cẩm Giàng), Nam Tân, Phú Điền (Nam Sách), Cổ Bì (Bình Giang), Đông Xuyên (Ninh Giang) tham gia mô hình chuyển giao. Các hộ được hỗ trợ 50% con giống và tiền thuốc. Trung tâm đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh trên cá cho người dân có nhu cầu. Theo đánh giá của chị Vũ Thị Hương, Chủ nhiệm dịch vụ công "Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nuôi cá chạch bùn thương phẩm", chạch bùn lớn nhanh, chống chịu bệnh tốt. Đặc biệt, lợi nhuận từ nuôi chạch bùn có thể đạt 220 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều loại đang nuôi khác.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Bì (Bình Giang), đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, phù hợp điều kiện của địa phương nên trong thời gian tới hội sẽ tuyên truyền, vận động các hội viên mở rộng diện tích nuôi loại cá này...
THANH HÀ