Nam Sách đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019. Đây là thành quả từ tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Hiện tất cả đường nông thôn ở Nam Sách đã được đổ bê tông hoặc trải nhựa. Trong ảnh: Người dân xã Minh Tân tham gia làm đường
Giải pháp mạnh
Ngay khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai, huyện Nam Sách đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc.
Huyện phát động phong trào "Toàn dân Nam Sách chung sức xây dựng NTM" với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM". Mọi công việc đều được bàn bạc, thống nhất cao, dân chủ, minh bạch, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện đã tạo sự thay đổi rõ nét trong nhận thức của toàn thể nhân dân.
Huyện rà soát, đánh giá mức độ thực hiện 19 tiêu chí NTM của từng xã, từ đó xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, ưu tiên các tiêu chí dễ, quan trọng làm trước. Xác định phát triển hệ thống giao thông nông thôn là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nam Sách xây dựng cơ chế hỗ trợ các địa phương, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ của cấp trên, tạo động lực để các xã thi đua, phấn đấu về đích sớm.
Đồng chí Võ Hồng Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Ngoài hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện có cơ chế thưởng cho các xã về đích đầu tiên 1 tỷ đồng/xã, các xã về đích tiếp theo 0,5 tỷ đồng/xã, đồng thời hỗ trợ 100% phần ngân sách huyện được hưởng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹp cho các xã; hỗ trợ kinh phí xây dựng 500 triệu đồng/bãi rác, 200 triệu đồng/nhà văn hóa".
Cùng với xây dựng xã NTM, huyện tập trung chỉ đạo hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM. Nam Sách chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở; phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao; đẩy mạnh vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội...
Kết quả ấn tượng
Nam Sách đã huy động hơn 3.266 tỷ đồng từ các nguồn lực để xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách huyện hơn 108tỷ đồng, xã gần 484 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp hơn 1.131 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn khác. 9 năm qua, nhân dân trong huyện đóng góp hơn 7.650 ngày công, hiến 85.300 m2 đất, phá dỡ 56,2 km tường bao, 176 cổng nhà, 92 bể nước, nhiều công trình phụ trợ phục vụ làm đường nông thôn. Ông Mạc Đăng Bình ở thôn Đầu Bến (xã Hợp Tiến) chia sẻ: "Thực hiện chủ trương mở rộng đường liên thôn của xã, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn song tôi vẫn tự nguyện phá dỡ tường bao, chặt hạ nhiều cây ăn quả và hiến 100 m2 đất. Tôi cũng như nhiều người dân mong muốn cùng chung sức để thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống".
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, Nam Sách đã hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra trước một năm. Năm 2019, tất cả 18 xã trong huyện đã về đích NTM, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020, huyện có từ 10 - 11 xã đạt chuẩn. Nam Sách được công nhận huyện NTM năm 2019. 2 xã Nam Tân và Nam Hồng đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nên đến hết năm 2019, Nam Sách không có nợ đọng xây dựng NTM.
Nhờ xây dựng NTM, các làng quê ở Nam Sách ngày càng "thay da đổi thịt". Hiện nay, huyện có 100% số đường nông thôn, 80% số đường nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ. Các xã, thôn, khu dân cư đều có nhà văn hóa, sân vận động, sân thể thao phục vụ đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe nhân dân. Hệ thống đường truyền internet kết nối đến tất cả các xã, thôn, khu dân cư. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2016 - 2020, có hệ thống nước sạch. Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn huyện đạt 97,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm (tăng 2 lần so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,14%.
Với kết quả trên, Nam Sách tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 có từ 10 - 11 xã đạt NTM nâng cao, từ 1 - 2 xã đạt NTM kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
VĨNH HỒNG