Bursa - hòa hợp cổ sơ và hiện đại

25/10/2016 13:38

Bursa là thành phố ưa thích của rất nhiều du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ bởi bên cạnh những công trình hiện đại, những kiến trúc lịch sử từ triều đại Ottoman vẫn tồn tại thách thức thời gian.



Thành phố Bursa mang dáng dấp hiện đại pha lẫn nét cổ kính


Dấu ấn vương triều

Brusa là thành phố nằm ở phía tây bắc đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, cách biển Marmara hơn 20km. Vùng này được những người Bithynia thành lập từ thế kỷ 2 trước Công nguyên và hoàng đế Bithynia đặt tên là Brusias, nhưng sau đổi thành Brusa như hiện nay. Nằm dưới chân dãy Uludag - nơi được mệnh danh là “Những ngọn núi vĩ đại” của Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Bursa mang dáng dấp hiện đại pha lẫn nét cổ kính. Từng là kinh đô của đế chế Ottoman vào thế kỷ XIV và có quá khứ rực rỡ với hơn 2.200 năm lịch sử, Bursa được coi là một trong những cái nôi của nền văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Ottoman bắt đầu tiểu vương quốc của họ ở vùng thôn quê về phía đông của Bursa nên thành phố này từng là thủ đô đầu tiên của đế quốc Ottoman (1326-1365). Vì thế, những di tích quan trọng của Bursa có lịch sử ngay từ thời kỳ đầu của triều đại Ottoman. Các kiến trúc tôn giáo tại đây tuy có quy mô nhỏ hơn những công trình tương tự ở Istanbul nhưng mức độ tinh xảo và cầu kỳ thì có khi còn vượt xa.

Nhà thờ Hồi giáo Ulu Cami (còn gọi là Bursa Grand Mosque) là cột mốc của kiến trúc Ottoman thời kỳ đầu, vốn sử dụng nhiều yếu tố lấy từ phong cách Seljuk, được xây dựng từ năm 1396-1399 theo lệnh của hoàng đế Ottoman là Bayezid I. Tòa nhà có hình chữ nhật lớn gồm 20 mái vòm và 2 tháp chuông. Có ý kiến cho rằng 20 mái vòm  được xây dựng thay vì xây riêng biệt 20 nhà thờ Hồi giáo khác nhau mà hoàng đế đã hứa sau trận thắng Nicopolis vào năm 1396. Bên trong thánh đường có đài phun nước cho các tín đồ có thể tẩy rửa trước khi cầu nguyện. Điểm đặc biệt của nhà thờ Hồi giáo này là 192 chữ viết thư pháp trên tường bởi các nhà thư pháp nổi tiếng thời Ottoman.

Cách Ulu Cami không xa là Bảo tàng thành phố Bursa, nơi nhiều người bảo nên đến để khám phá lịch sử thành phố. Quả thật sau khi lang thang ngắm thành phố của hiện tại, không còn gì bằng khi được vào bảo tàng để chạm vào quá khứ với những hình ảnh, hiện vật ngàn xưa hiển hiện trước mắt.

Có một nơi nhất định không thể bỏ qua khi đến Bursa, đó là khu tổ hợp nằm cạnh nhau mang màu xanh đặc trưng theo tên gọi của mình. Green Tomb (hay Yesil Türbe - lăng mộ Xanh) là lăng mộ hoàng đế Mehmed I (1412-1420) của đế quốc Ottoman và là biểu tượng của thành phố Bursa. Green Mosque (hay Yesil Camii - nhà thờ Hồi giáo Xanh) bên trong có lăng mộ, đài phun nước bằng đá cẩm thạch trắng nằm trong hồ hình bát giác ở khu vực cầu nguyện và kiến trúc xây theo hình chữ thập. Bên ngoài thánh đường có khu vực uống trà ngắm cảnh thung lũng Bursa và núi Uludag. Nhà thờ được xây vào thời hoàng đế Mehmed I giữa năm 1419-1421 và trùng tu sau biến cố động đất năm 1855. Hai tòa tháp được xây theo kiến trúc Baroque nên khi nhìn vào sẽ nhận ra ngay sự tương phản trong kiến trúc mới - cũ. Mặc dù các kiến trúc sư đã cố gắng nhưng vẫn không thể phục dựng được nguyên bản kiến trúc thời kỳ đầu của triều đại Ottoman. Vật liệu xây dựng thánh đường chủ yếu lấy từ đá sa thạch và dùng những tấm đá cẩm thạch phủ lên. Bên trong có nhiều chữ thư pháp và nội thất khảm trang trí màu xanh, vì thế mà được đặt tên là nhà thờ Hồi giáo Xanh.

Lăng mộ Xanh nằm trên một ngọn đồi, được bao quanh bởi hàng cây bách cổ thụ cao vút. Từ đây nhìn xuống chúng tôi được chiêm ngưỡng bức tranh phố cổ Bursa yên bình với những con đường lát đá nho nhỏ, hai bên là các dãy nhà gỗ xây kiểu miền núi duyên dáng bày bán rất nhiều hàng thủ công đẹp mắt. Trước hiên nhà, những người phụ nữ Hồi giáo khăn trùm kín tóc cần mẫn ngồi dệt những tấm thảm màu sắc sặc sỡ.

Chợ cổ muôn màu

Đường phố chính ở Bursa rất rộng và sạch. Hai bên đường, những luống hoa hồng đỏ thắm được chăm sóc kỹ càng và đài phun nước có mặt ở nhiều nơi. Đây quả là thiên đường cho những ai thích tản bộ.

Dưới bóng râm của hàng cây sồi già được cắt tỉa gọn gàng, những cửa hiệu cổ kính được trang trí xinh xắn sẽ mở ra cho du khách một thế giới đầy màu sắc của hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, từ tơ lụa, thảm, đồ thuộc da, thủy tinh cho đến bánh kẹo, trái cây khô, các loại hạt ăn vặt phong phú và hấp dẫn.

Trung tâm thành phố có nhiều dinh thự cổ kính nằm khuất sau những rặng liễu rủ tha thướt. Cách Camii Orhan, tòa thị chính có tuổi đời hơn bảy thế kỷ không xa là công viên trung tâm.

Nằm bên cạnh công viên có khu chợ tơ lụa (Koza Han) luôn nườm nượp khách bốn phương. Vào mỗi chiều cuối tuần, dường như mọi cư dân địa phương đều tập trung về quảng trường lớn ven đại lộ Ataturk, hòa mình vào dòng du khách để đi mua sắm ở khu chợ này. Khu chợ hình vuông gồm bốn dãy nhà ba tầng (một tầng hầm) này được xây dựng vào năm 1491 để làm trạm nghỉ chân cho các đoàn nhà buôn và dần trở thành trung tâm thương mại của cả vùng. Kiến trúc bằng đá vừa bề thế, vừa đậm chất mỹ thuật của chợ làm nhiều du khách phải trầm trồ. Bên cạnh vải vóc là các chủng loại hàng hóa khác rất đa dạng.

Muốn khám phá hết cả ba tầng và từng ngóc ngách trong chợ có lẽ phải mất đến vài ngày. Mang phong cách đặc trưng của những ngôi chợ Trung Đông, khoảng sân rộng ở giữa Koza Han là nơi để khách buôn nghỉ chân với nhiều hàng ăn, quán nước nhộn nhịp. Trong chợ, bàn uống cà phê được đặt rải rác bên các ô cửa rộng hình vòm như để khuyến khích người mua hàng giao lưu và gặp gỡ bạn bè. Dù vẫn phải trả giá nhưng hàng hóa ở đây phần lớn có mức giá phải chăng và những người bán hàng cũng khá dễ chịu.

Đặc biệt, các sản phẩm làm từ da vô cùng phong phú và có chất lượng cao, giá cả hoàn toàn xứng đáng để khách phương xa phải mở ví. Hấp dẫn nhất là những chiếc khăn choàng bằng lụa mát mịn, màu sắc tinh tế do được các nghệ nhân dệt tay và vẽ thủ công.

Sang khu vực trái cây, khách đến từ châu Á không khỏi ngây ngất trước từng sạp cherry, dâu chín mọng, đỏ rực. Cà chua có loại lớn hơn cả cam sành Việt Nam, da màu hồng cam bóng nhẵn rất hấp dẫn. Lê, táo, cam, lựu, kiwi, đào… đều ngồn ngộn tươi ngon và rẻ. Xen lẫn giữa các cửa hàng trái cây là các cửa hàng bán trái olive, chà là, kẹo và các loại trái cây khô, các loại hạt ăn được vùng Trung Đông. Chỉ trái chà là thôi cũng có tới vài chục loại. Thức ăn Thổ Nhĩ Kỳ rất đậm đà. Nếu kẹo, mứt ngọt đến nhức răng thì hạt dẻ, hạt óc chó, hạt hồ đào bùi, thơm nức mũi.

Có thời gian dư dả, du khách có thể đến bên khúc sông chảy qua thành phố. Nơi đây có một cây cầu xinh xinh với nhiều cửa hàng nhỏ bán những con rối bóng sặc sỡ làm quà lưu niệm. Múa rối bóng là một loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng từ thời Ottoman của Bursa. Dù chưa biết nhiều về múa rối Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tôi vẫn không thể rời mắt khỏi các con rối bởi chúng được vẽ quá sinh động và biểu cảm. Nếu muốn khám phá cách làm ra một con rối như thế nào, du khách cứ đến tham quan Bảo tàng Karagöz - Hacivat.

Con đường đến bảo tàng đi ngang vùng ngoại ô trù phú, xinh đẹp của Bursa. Nằm giữa những ngôi biệt thự có khung cửa sổ và cửa ra vào được trang trí tỉ mỉ, bảo tàng là một căn nhà nhỏ với cấu trúc nửa gỗ, nửa đá nhưng rất mỹ thuật. Tầng trệt của bảo tàng trưng bày những con rối đặc sắc nhất đến từ khắp nơi trên thế giới. Tầng hai là nơi lưu giữ một bộ sưu tập lớn các con rối cổ qua từng thời kỳ của nghệ thuật múa rối bóng nước Thổ. Không chỉ đền đài nguy nga và những khu chợ náo nhiệt, ngay cả những con rối sống động này cũng có thể kể cho du khách nghe về lịch sử lắm thăng trầm và đời sống còn nhiều điều huyền bí của vùng đất giao thoa giữa hai nền văn minh Âu - Á này.

KIM NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bursa - hòa hợp cổ sơ và hiện đại